Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile); các nhà mạng đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% (151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động). Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên 900.000 thuê bao; thuê bao băng rộng cố định trên 120 nghìn thuê bao; xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh lên trên 9.000 km cáp
Đến nay, 100% các các cơ quan Đảng, đoàn thể và cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 183 điểm, trong đó, có 32 điểm tại các ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và 151 điểm tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị (Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 03-10 máy chủ để cài đặt các phầm mềm, CSDL chuyên ngành. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp để cung cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh. Hệ thống bảo mật, an ninh thông tin được đầu tư mới với trang thiết bị tường lửa (FireWall), hệ thống chống thư rác (Spam) và các phần mềm phòng, chống virus.
Tiếp tục duy trì, cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình, phiên bản 2.0 phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 nhằm bổ sung, cập nhật mô hình kiến trúc phù hợp với sự phát triển của xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; cập nhật các xu thế công nghệ như Cloud Computing, AI, Big Data và hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) để phục vụ mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh được đầu tư với các điểm cầu kết nối từ Tỉnh ủy đến các Đảng ủy trực thuộc và tới hầu hết các chi, đảng bộ cơ sở; 11 điểm cầu kết nối từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới các huyện, thành phố phục vụ các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với các địa phương. Ngoài ra, hiện đã có 10/10 huyện, thành phố chủ động đầu tư, triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã, góp phần mang lại hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc họp, tiết kiệm thời gian đi lại, kinh phí văn phòng phẩm. Triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh (IOC)./.