Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 26/12/2024, sau khi nghe Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 24/12/2021 về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 08-NQ/TU); Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kết luận như sau: Sau 03 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị đã khắc phục khó khăn, nỗ lực cố gắng hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, yêu cầu đề ra; việc tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về chủ trương, vai trò, tầm quan trọng của công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; công tác đảm bảo an toàn, an ninh được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng phó chủ động từ sớm, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng góp phần đảm bảo quốc phòng, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ sau:
Mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025: 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
Mục tiêu đến năm 2030:
Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động - 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). - Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ 3 chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. - Trên 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin cơ quan quản lý.
Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh - Kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. - Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. - Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%.
Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số - Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang. - Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 25/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là đột phá phát triển về "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư": Ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh để tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trên ba trụ cột Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin. Phát triển, mở rộng các ứng dụng, nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số của cơ quan nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, dịch vụ số.
Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó từng bước tạo sự đồng thuận, vào cuộc 4 của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.
Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất về hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xây dựng hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, xanh, thông minh, mở và an toàn. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số, nền tảng số làm cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông… hàng đầu của Việt Nam và thế giới vào đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ.
Đôn đốc đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; trong đó tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong Nghị quyết số 08- NQ/TU là: Giáo dục ,Y tế, Nông nghiệp, Văn hóa và du lịch, Giao thông vận tải và logistics, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp. Phát triển kinh tế số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại một số ngành, lĩnh vực tiềm năng, dư địa lớn.
Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu. Xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin; đảm bảo xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin.
BTV Tỉnh ủy giao:
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kết luận này.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kết luận này; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả 5 thực hiện và tham mưu sơ kết, tổng kết theo quy định.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện và giám sát thi hành.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kết luận này theo quy định.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy căn cứ quy định của Đảng, tình hình thực tế tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kết luận này.