Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 15/01/2023, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có nhiều quy định mới tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của Nghị định 102/2017/NĐ-CP trong công tác thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật có liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP không chỉ xác định rõ phạm vi điều chỉnh với hoạt động đăng ký, các trường hợp đăng ký bảo đảm mà còn đảm bảo sự thống nhất về trình tự đăng ký biện pháp bảo đảm với Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành.
Về kết cấu, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, bao gồm 5 chương, 58 điều. Chương I - Quy định chung (Điều 1 - Điều 11); Chương II - Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 12 - Điều 49); Chương III - Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm (Điều 50 - Điều 53); Chương IV - Quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 54, Điều 55); Chương V - Điều khoản thi hành (Điều 56 - Điều 58). So với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều (23 điều được sắp xếp lại thành 8 điều); bổ sung Phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe, thảo luận về một số nội dung mới, cơ bản trong quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và công tác triển khai thi hành; triển khai một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; tác động của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại xác tổ chức tín dụng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quán triệt việc thực hiện quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP tại địa phương; công bố, niêm yết thủ tục hành chính trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; thực hiện truyền thông; chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, công tác quản lý Nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương.
Để triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức liên quan cần chú ý một số vấn đề về sử dụng đúng các biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; không tiếp tục sử dụng các biểu mẫu được ban hành tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký biện pháp bảo đảm; giữ nguyên khuôn khổ biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định khi thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin, không tự ý loại bỏ hoặc bổ sung các trường thông tin đã được quy định biểu mẫu tại Phụ lục. Đối với cơ quan đăng ký, chỉ tiếp nhận các Phiếu yêu cầu, Văn bản đề nghị theo đúng biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định./.