Với hơn 14.560 ha mặt nước ao, hồ và hệ thống sông ngòi phân bổ đồng đều, tỉnh tập trung đến chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng năm tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá giống vào các vùng nước tự nhiên với một số loài cá không có khả năng sinh sản tự nhiên trong hồ. Nhằm tái tạo nguồn lợi, tăng sản lượng khai thác, các ngành chức năng triển khai hiệu quả hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mô hình đồng quản lý nghề cá trên lưu vực Hồ Hòa Bình. Ngoài ra, chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng Hồ Hòa Bình do vậy sản lượng nuôi trồng thời gian qua tăng mạnh, nhất là sản lượng nuôi lồng. Lồng nuôi cá truyền thống được thay thế bằng lồng cái tiến khung sắt, lưới đã phát huy được tiềm năng mặt nước Hồ thủy điện Hòa Bình.
Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa đối tượng nuôi, ngoài các đối tượng chủ lực như cá rô phi đơn tính, cá chép lai, trắm cỏ, các hộ kinh doanh, hợp tác xã duy trì các loại cá truyền thống như: cá trôi, mè và một số đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá hồi, cá tầm. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ tươi sống tại các chợ trung tâm huyện, thành phố, một phần sản phẩm được áp dụng hình thức sơ chế, chế biến sản xuất quy mô nhỏ. Các địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế có sẵn của vùng với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến.
Bên cạnh đó, tỉnh mở rộng, phát triển mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết sản xuất, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ. Xây dựng hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững. Các dự án như: mô hình sản xuất chuỗi cá sông Đà theo chuỗi giá trị; “Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị” tại huyện Đà Bắc và thành phố Hòa Bình đang triển khai hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tổ chức các hình thức quảng bá sản phẩm phù hợp, truyền thông, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng, tạo sự hiểu biết đúng về thủy sản trong tỉnh, thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuỗi cá Sông Đà. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 4 hợp tác xã, 2 tổ họp tác nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và đang phát triển, mở rộng sản phẩm tại hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội.
Căn cứ kết quả trên, trong quý II/2021, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản của địa phương, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ đến Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu những giống cá mới, phù hợp với khí hậu và vùng nước tại địa phương, đồng thời, phát triển các loại cá bản địa đem lại giá trị kinh tế cao./.