Công tác ứng phó, khắc phục: Lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…, đồng thời trực 24/24h tại 151/151 xã, phường, thị trấn và 8.899 thành viên tham gia; các lực lượng Công an, Quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số. Các địa phương hiện tại đang tập trung khắc phục các thiệt hại, tiếp tục ở tại nơi sơ tán đối với khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gãy đổ, thống kê thiệt hại đợt thiên tai theo quy định. Đến thời điểm hiện tại còn mưa nhỏ tại một số nơi, một số địa phương đã chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về sạt lở, ngập lụt trở lại nhà để ở. Cùng với đó, thực hiện các thủ tục mai táng, hỗ trợ cho người tử vong; chăm sóc, cứu chữa cho người bị thương. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện: Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi đến tận nơi thăm hỏi và động viên gia đình có người bị thương vong. Các địa phương đang tập trung sửa chữa các nhà cửa hư hỏng, tốc mái; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường.
Về cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… đã được khôi phục bước đầu để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc. Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại với các nội dung cụ thể: Lập phương án phối hợp, hiệp đồng huy động lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn, dân quân tự vệ tổ xung kích sẵn sàng lực lượng khi có sự cố xảy ra; lập phương án bảo đảm an ninh trật tự đến tận xóm, thôn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư để sẵn sàng thông tuyến giao thông, đảm bảo an toàn thông suốt; thông báo cho các chủ phương tiện thủy tìm chỗ neo đậu an toàn trong mưa bão; chủ động cho học sinh nghỉ học trong cơn bão số 3; sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn; có phương án bình ổn thị trường, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trước, trong và sau thiên tai; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và lực lượng y, bác sỹ trực để xử lý tình huống khi cần thiết; kiểm tra an toàn hồ đập, thông báo các chủ lồng bè biết để phòng tránh các tình huống bất lợi có thể xảy ra; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trích từ nguồn lực từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 số kinh phí 23 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tiến độ thực hiện các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn Ngân sách Trung ương về phòng chống thiên tai: Các dự án sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách Trung ương cho công tác phòng chống thiên tai, gồm: Hồ thuỷ lợi Xôm, xã Vân Sơn; khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến và đoạn cầu Hoà Bình 3, thành phố Hoà Bình; Dự án di dân tái định cư khu dân cư xóm Hổ 2, xã Yên Nghiệp: Hiện các dự án đang thi công, khối lượng đạt từ 50% - 97%. Các dự án sử dụng nguồn Dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023: Có 07 dự án/công trình đang triển khai thực hiện, trong đó có 05/07 dự án triển khai thực hiện, khối lượng thực hiện đạt từ 24 - 65%, khối lượng giải ngân đạt từ 0 - 66%; 02/07 dự án đang tiếp tục triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Hiện nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Để tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra cũng như chuẩn bị cho các tình huống thiên tai sắp tới, tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá các khu vực nguy hiểm, nhanh chóng sơ tán dân đến nơi an toàn để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không đển người dân bị đói, bị rét, không có nơi ở. Tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của bão số 3 gây ra. Các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân vùng thiên tai ổn định sinh hoạt, tăng cường kiểm tra, đánh giá an toàn cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các cơ sở giáo dục, giao thông, thủy lợi, và nước sinh hoạt nông thôn; Bên cạnh đó, cần khẩn trương phục hồi sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, và phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão, thiên tai tiếp theo. Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Thông báo số 2313-TB/VPTU ngày 12/9/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão./.