DetailController

Tin từ các đơn vị

Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tính đến tháng 6/2022

05/07/2022 00:00
Trong 06 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 34 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 26.079 tỷ đồng (trong đó có 03 dự án trong KCN với tổng vốn đăng ký khoảng 2.410 tỷ đồng, 05 dự án trong CCN với tổng vốn đăng ký khoảng 644 tỷ đồng và 26 dự án nằm ngoài khu, CCN với tổng vốn đăng ký khoảng 23.025 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 29 dự án, vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 127,7%. Quyết định chấm dứt hoạt động 03 dự án (trong đó có 01 dự án trong nước và 02 dự án FDI) và tạm ngừng hoạt động 01 dự án trong nước; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 09 dự án.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 08 dự án tại các khu, cụm công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Đến thời điểm báo cáo, tỉnh Hòa Bình có 693 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách đang hoạt động (bao gồm: 37 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 143.809 tỷ đồng). Trong đó, có 476 dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp; 139 dự án trong khu, cụm công nghiệp và 78 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Trong số 693 dự án nêu trên, có 352 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 50,8% tổng số dự án (bao gồm 22 dự án đã đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh hiện đang tạm ngừng hoạt động); 45 dự án đang triển khai thi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, chiếm 6,5%; 185 dự án còn đang thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường chiếm 26,7%; và 71 dự án3 có tiến độ thực hiện chậm so với cam kết chiếm 10,2%, hiện có 40 dự án đang trong thời gian tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Thực hiện Thông báo số 956-TB/VPTU ngày 28/02/2022 của Văn phòng Tỉnh uỷ Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương giao nhiệm vụ, dự án trọng tâm có tính đột phá cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trong năm 2022, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, đánh giá các dự án đầu tư chậm tiến độ, không triển khai thực hiện. Trong đó, đã giao nhiệm vụ thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ nhưng không đủ điều kiện gia hạn, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật và Quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến thời điểm báo cáo, đã có 20 dự án đầu tư chậm tiến độ nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình được rà soát và tổ chức kiểm tra thực địa.

Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai các dự án đầu tư công gồm có: Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối QL6; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); Đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình (giai đoạn 1); Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) bằng nguồn đầu tư công có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Từ nay đến hết năm 2022, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần tăng cường, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương về thu hút đầu tư, GPMB. Chỉ đạo sát sao công tác GPMB, thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thỏa thuận mặt bằng để thực hiện dự án trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư/cơ quan đề xuất thực hiện dự án hoàn thiện hồ sơ thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường,... đảm bảo điều kiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định; tập trung mọi nguồn lực để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đăng ký. Tăng cường rà soát, đề xuất xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ triển khai thực hiện, thực hiện không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên.

Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công tác kiểm đếm, trích đo, rà soát các khu vực, đối tượng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các dự án; Khẩn trương bố trí kinh phí bồi thường, GPMB để nhân dân kịp thời ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, không gây mất an ninh, trật tự, tạo điều kiện để dự án được triển khai thi công xây dựng theo tiến độ đã đề ra.

Đối với các dự án thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện công tác kiểm đếm, rà soát, quy chủ. Rà soát số lượng hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện tái định cư để bố trí địa điểm, vị trí phù hợp cho công tác tái định cư, xác định và bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, cũng thực hiện điều chỉnh đưa một số dự án ra khỏi danh mục đối với một số dự án đầu tư không đảm bảo điều kiện để khởi công trong năm  2022 theo tiến độ đã đăng ký. Đồng thời xem xét, đồng ý bổ sung một số dự án vào danh mục các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để khởi công trong năm 2022./.