Mục đích nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được để ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trong tháng cao điểm, thực hiện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chức năng tăng cường triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện và chức năng cụ thể của từng địa phương, đơn vị và tình hình dịch Covid-19. Trong đó các hoạt động truyền thông trong tháng cao điểm gồm có: tổ chức Lễ phát động. Nội dung truyền thông chú trọng vào: lợi ích của việc xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV khác, lợi ích của các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương; đảm bảo tài chính cho chương trình sự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Về hình thức, không tổ chức các sự kiện tập trung đông người, linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương.
Trong công tác truyền thông đại chúng ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS…Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và trang thông tin điện tử. Phát triển và phổ biến các phương tiện, tài liệu truyền thông: xây dựng các pano, khẩu hiệu, treo băng roll tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên, cửa ngõ thành phố, xã, phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện. Phổ biến các ấn phẩm truyền thông Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Các hoạt động khác về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, dự phòng, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có sẵn tại địa phương; tổ chức mở rộng việc cung cấp dịch vụ (tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điều trị ARV trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng, cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã); vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV về từ mẹ sang con trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ; huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động tại Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi. Vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng cao điểm; dự trù và cung ứng đầy đủ thuốc dự phòng lây truyền HIV cho phụ nữ mang thai nhiệm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…/.