Các cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn đã triển khai hiệu quả mô hình hoạt động lồng ghép, với các nội dung: Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, điều trị thay thế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tư vấn, chăm sóc điều trị HIV/AIDS và các dịch vụ liên quan đến HIV khác. Qua đó, người nhiễm HIV được tư vấn tiếp cận điều trị ARV ngay sau khi khẳng định nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và cận lâm sàng. Số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS giảm dần, chất lượng cuộc sống được cải thiện và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Ngoài ra, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được duy trì và thực hiện khá tốt. Hệ thống chuyên trách HIV tuyến huyện/ thành phố và các xã, phường, thị trấn hoạt động tích cực, tư vấn cho phụ nữ trong độ tuồi sinh đẻ, các bà mẹ mang thai HIV/AIDS và giới thiệu cho họ các cơ sở xét nghiệm sàng học HIV.
Là tỉnh tiên phong đưa nội dung xét nghiệm và khám chữa bênh HIV/AIDS vào thanh toán bảo hiểm y tế. Hiện tại tỉnh có 913 bệnh nhân điều trị duy trì ARV tại các phòng khám ngoại trú đều có thẻ Bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 5 phòng khám ngoại trú người lớn từ Bệnh viện đa khoa tỉnh đến các huyện, 1 phòng khám ngoại trú trẻ em tại Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiện cho người nhiễm HIV đến khám, lấy thuốc thường xuyên. Đến nay, tình hình HIV/AIDS trong tỉnh tương đối ổn định, đối tượng HIV chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện có xu hướng giảm dần. Tỉnh đang duy trì và đảm bảo tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình đạt 92,6%; tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiệm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) đạt 72%; tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng vi rút thấp dưới ngưỡng ức chế đạt 93,3% .
Chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế đang được triển khai bằng 2 phương pháp là cấp phát thuốc và điều trị Methadone. Hiện có 3 xã thực hiện phát thuốc là: xã Mường Chiềng (huyện Đà Bắc), xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy), xã Thanh Sơn (huyện Lương Sơn). Chương trình điều trị Methadone được mở rộng tại 10/10 huyện, thành phố. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 cơ sở điều trị, trong đó có 10 cơ sở điều trị do ngành y tế quản lý, 2 cơ sở do ngành lao động quản lý và 12 cơ sở cấp phát thuốc. Tính đến 30/11/2020, toàn tỉnh điều trị cho 825 bệnh nhân, đạt 103% chỉ tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Để duy trì kết quả như trên, ngành Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống HIV. Bằng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa số người dân và người nhiễm HIV/AIDS hiểu đúng, biết cách phòng chống lây nhiễm. Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giảm dần.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Đối với tuyến tỉnh có 10 cán bộ chuyên trách, tuyến huyện có 10 cán bộ chuyên trách và 156 cán bộ kiêm nhiệm tại tuyến xã. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn, đào tạo và cấp chứng nhận cho 43 học viên làm chương trình Methadone tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.