DetailController

Tin từ các đơn vị

Báo cáo, làm rõ nội dung bài viết “Tan tác vựa cam Cao Phong” đăng tải ngày 09/5/2022 trên báo Sài gòn giải phóng

18/05/2022 00:00
Ngày 17/5/2022, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 1233 báo cáo UBND tỉnh, làm rõ nội dung bài viết “Tan tác vựa cam Cao Phong” đăng tải ngày 09/5/2022 trên báo Sài gòn giải phóng.

Ngày 09/5/2022, Báo Sài Gòn giải phóng Online có bài viết “Tan tác vựa cam Cao Phong” của tác giả Văn Phúc. Nội dung bài báo đề cập tới nội dung một vùng cây cam Cao Phong bị mắc bệnh, dẫn tới việc nhiều hộ dân phải chặt bỏ cây, thất thu nghiêm trọng cho người trồng: “Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục ngàn hécta cam Cao Phong nổi tiếng thuộc tỉnh Hòa Bình bị đốn hạ do mắc bệnh lạ, năng suất giảm tới 70%-80% khiến nông dân trồng cam thua lỗ nặng”.

Trên cơ sở nội dung bài báo đã nêu và thực trạng sản xuất tại vùng cam Cao Phong; Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo như sau:

Những nội dung, thông tin qua phỏng vấn nhà vườn mà bài báo nêu là không mới, đã có nhiều tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2020 đến nay. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những giải đáp, những thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề tương tự đã được đề cập trong nội dung bài báo.

Về một số vấn đề bài báo đã nêu, Sở NN&PTNT có báo cáo đánh giá như sau:

Thứ nhất, về việc chặt bỏ cam ở những vườn trên 10 năm tuổi: Vùng cam Cao Phong đã có từ những năm 1960 khi bắt đầu thành lập Nông trường Cao Phong, thuộc Bộ Nông trường quản lý. Đến nay đã có trên 60 năm người dân Cao Phong gắn bó với cây cam, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện nói riêng, của tỉnh Hòa Bình nói chung. Chu kỳ khai thác của các vườn cam thông thường kéo dài từ 12- 14 năm tùy từng loại giống và kỹ thuật canh tác, trong đó 04 năm đầu là giai đoạn kiến thiết cơ bản, 08-10 năm tiếp theo là giai đoạn kinh doanh. Đến nay vùng cam Cao Phong đã trải qua 03 chu kỳ sản xuất; hiện nay đang bước vào thời kỳ cải tạo đất để trồng lại chu kỳ thứ 4. Việc phát triển cây cam tại Cao Phong đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, với bộ giống đa dạng, có năng suất chất lượng tốt như cam CS1, cam Marrs (cam BH), cam Sông Con, cam CT36, cam Canh, cam V2... Giá trị thu nhập  bình quân đạt 300 – 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp nông dân làm giàu. Sản phẩm được xác định là một trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Cho đến nay Cao Phong được xác định là vùng trọng điểm trồng cây có múi của tỉnh.

Trong thực tế sản xuất hiện nay những vườn cam trên 10 năm tuổi, nếu cây đã già cỗi, có năng suất, chất lượng quả thấp sẽ được phá bỏ để cải tạo lại đất từ 3-4 năm sau đó mới bắt đầu trồng lại cam. Với những diện tích phá bỏ cam, Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Cao Phong trong việc tổ chức sản xuất, khuyến cáo người dân luân canh cây trồng khác để cải tạo đất (nhằm thay đổi thành phần cơ giới đất; hạn chế và tiêu diệt nguồn sâu bệnh trong đất) bằng các cây trồng ngắn ngày như cây họ đậu đỗ; đặc biệt phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi như cây chuối, cây ngô sinh khối. Đây là một giải pháp kỹ thuật giúp cải tạo lại đất, đồng thời tạo sinh kế cho người sản xuất trong thời gian chờ trồng mới chu kỳ cam tiếp theo.

Thứ hai, hiện tượng vàng lá đối với nhưng vườn cam đang giai đoạn kiến thiết cơ bản (2-3 năm đầu); vườn bắt đầu cho thu hoạch hoặc đang trong thời kỳ kinh doanh nhưng có năng suất, chất lượng quả kém (quả bị “beo”, vỏ như bị héo, múi teo, ăn nhạt nhẽo), lá bị vàng:

Qua thời gian nghiên cứu, khảo sát lấy mẫu, phân tích giám định và bố trí các thí nghiệm đồng ruộng, đến nay cơ quan chuyên môn của tỉnh và các Viện nghiên cứu đã khẳng định chính xác nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá trên cây cam tại Cao Phong. Theo đó hiện tượng vàng lá cam do nhiều tác nhân gây ra (do thiếu các nguyên tố vi lượng; do bị bệnh Greenning; do bị rệp sáp hại rễ; do tuyến trùng hại rễ; do nấm Fusarium sp., nấm Phytophthora sp. gây thối rễ). Do đa phần các tác nhân gây bệnh đều tồn tại, gây hại trong đất, phần rễ cây nên khó phát hiện hơn sâu bệnh trên thân, quả và người sản xuất ít chú ý hơn, chỉ đến khi bị nặng, bộ rễ bị tổn thương nặng gây vàng lá thì mới biểu hiện rõ nhưng phòng trừ lúc này thường kém hiệu quả. Đến nay cơ quan chuyên môn của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn việc phòng ngừa, xử lý hiện tượng vàng lá cam. Tuy nhiên để những hướng dẫn này đến được với đông đảo người sản xuất thì khâu thông tin tuyên truyền cần phải đẩy mạnh hơn nữa; mặt khác, việc chủ động tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng trị bệnh cũng là trách nhiệm của người sản xuất.

Một số hạn chế, yếu kém trong sản xuất cây cam tại Cao Phong thời gian qua như: Việc quản lý sản xuất, kinh doanh giống còn lỏng lẻo dẫn đến giống không rõ nguồn gốc, giống trôi nổi, kém chất lượng trà trộn vào sản xuất đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và tuổi thọ vườn cây. Việc trồng xen các giống có chế độ chăm sóc khác nhau trong cùng một vườn; trong một vùng sản xuất có quá nhiều chủng loại giống đã gây khó khăn cho việc chăm sóc, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ở những vùng mới phát triển, nông dân còn rất thiếu kiến thức, kinh nghiệm canh tác, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt nhóm sâu, bệnh gây hại trong đất và hại rễ cây,vv. Công tác quản lý chỉ dẫn  địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng trà trộn sản phẩm từ các địa phương khác làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng vùng cam Cao Phong.

Trên cơ sở thực trạng trên, Sở NN&PTNT đưa ra hướng giải quyết những bất cập, hạn chế yếu kém trong phát triển vùng cam Cao Phong cụ thể như sau: Để khắc phục những hạn chế yếu kém trong phát triển vùng cam Cao Phong giai đoạn trước đây; ngày 16/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND Về việc phê duyệt Đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Quan điểm thực hiện Đề án đã  nêu rõ: Tái canh cây ăn quả có múi không chỉ là trồng mới, trồng lại mà được xác định là tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, hợp tác xã có liên kết chặt với các hộ sản xuất, theo chuỗi giá trị; khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó giai đoạn 2021 - 2025 tập trung tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong với quy mô khoảng 1.500 ha; những năm tiếp theo tiếp tục triển khai thực hiện tại các vùng trồng cây có múi khác của tỉnh.

Sau khi ban hành Đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, các nhiệm vụ được giao. Đến nay Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện tái canh cây có múi của tỉnh nói chung, cây cam Cao Phong nói riêng, gồm: Đã công nhận được 227 cây đầu dòng của 9 giống cây có múi đang trồng phổ biến trong tỉnh. Số lượng cây đầu dòng này có khả năng cung cấp trên 350 ngàn mắt ghép/năm làm vật liệu nhân giống. Hàng năm các cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra về sinh trưởng phát triển và tình hình sâu bệnh.

Tiếp nhận và đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc gia tại Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản của tỉnh gồm vườn cây S0, S1 và hệ thống nhà lưới trồng cây S2. Hệ thống nhân giống 3 cấp này đáp ứng đủ nhu cầu nhân giống cây ăn quả có múi của tỉnh. Đến nay đã gieo được khoảng 3 vạn cây gốc ghép; dự kiến sẽ bắt đầu ghép mắt từ tháng 6/2022 và từ tháng 9/2022 sẽ có cây giống sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho sản xuất.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng thời chỉ đạo thắt chặt việc sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi trên địa bàn. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện, cây giống đáp ứng đủ Tiêu chuẩn quốc gia mới được phép sản xuất, lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Triển khai một số mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phục hồi vườn cam bị bệnh vàng lá trên cơ sở tăng cường các biện pháp hữu cơ, sinh học.

Tổ chức cải tạo đất trên diện tích cam do già cỗi, hết chu kỳ khai thác hay bị sâu bệnh nặng bằng cách luân canh các giống cây trồng ngắn ngày như cây đậu đỗ, cây ngô sinh khối, cây chuối,.. Giải pháp này nhằm cải tạo đất; đồng thời việc chuyển đổi được thực hiện bài bản, tổ chức thành vùng sản xuất theo chuỗi, đảm bảo hiệu quả kinh tế nên đã giúp những hộ dân có sinh kế ổn định trong giai đoạn chờ trồng lại chu kỳ cam mới. Đến nay đã có khoảng 780 ha cây có múi được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian từ 2 - 4 năm.

Tiếp tục phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật và các Viện nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi.

Chủ trì xây dựng dự thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2022. Phối hợp, hỗ trợ huyện Cao Phong xây dựng cánh đồng mẫu về tái canh cây cam, quy mô khoảng 20ha, triển khai ngay từ 2022 để mở rộng trong những năm tới. Tổng diện tích trồng tái canh cam trên địa bàn Cao Phong đến 2025 khoảng 700ha./.