DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Trên 1.000 tỷ đồng thực hiện Đề án 03 về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025

18/03/2022 00:00
Nhằm cụ thể hóa Đề án 03, ngày 09/9/2021 của BTV Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, Ban chỉ đạo đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch 02, ngày 28/2/2022 thực hiện Đề án 03. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án trong giai đoạn này là trên 1.027 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý trên 573 tỷ đồng, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên 141 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước do cấp Trung ương quản lý trên 212 tỷ đồng, vốn huy động xã hội, ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 100 tỷ đồng.

Đề án đề ra nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP. Khai thác lợi thế của địa phương để đưa nhóm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh xâm nhập mạnh vào thị trường vùng Thủ đô, các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể: Về phát triển nông nghiệp: Phấn đấu hàng năm, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; Giá trị sản phẩm trung bình trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha, có 150 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng 51,5%. Xuất khẩu lâm sản: Đồ mộc 3.000 m3/năm; Ván ép 40.000m3/năm. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm: Phấn đấu tỷ lệ hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 20% tổng sản lượng của nhóm nông sản chủ lực. Có ít nhất từ 3 nhóm sản phẩm trồng trọt đáp ứng được yêu cầu quy mô cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trên 50% diện tích sản xuất và sản lượng của 9 nhóm sản phẩm chủ lực được kiểm soát, giám sát chất lượng theo chuỗi, từ khâu tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ giá trị nông sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. ít nhất 50 % sản lượng của các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của Vùng Thủ đô và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn.

Trong xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70%; bình quân các xã trong tỉnh đạt 17,0 tiêu chí/xã và không có xã nào đạt dưới 15 tiêu chí; hằng năm tăng trung bình 0,5 tiêu chí/xã, có thêm 6% số xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu có thêm từ 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới./.