Trong giai đoạn 2012-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết được bán hành kịp thời, nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết. Nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội đã đạt được kết quả nhất định. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội năm sau cao hơn năm trước. Đến hết ngày 31/12/2020, toàn quốc có gần 16,2 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 27% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13,324 triệu người, tăng 10 lần so với năm 2012. Số người tham gia Bảo hiểm y tế trên 88 triệu người, chiếm 90,97% dân số, mức độ hài lòng của người dân về chất lượng Bảo hiểm y tế đạt 3,48/4 điểm. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ Bảo hiểm thiết thực, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền từng bước được đổi mới, đa dạng, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phương thức hoạt động của hệ thống Bảo hiểm được đổi mới theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia; đấy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tại các địa phương, đơn vị; công tác cải cách thủ tục hành chính, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, phương thức hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; đề xuất các giải pháp trong việc tiếp tục thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, nghiên cứu, sửa đổi các chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, phù hợp với cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội; tiếp tục có giải pháp chính sách hỗ trợ phù hợp để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế nhằm thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là ở các tỉnh miền núi; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tăng cường quản lý Nhà nước về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Phấn đấu đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, Bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, Bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội./.