Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham gia thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Ngô Văn Tuấn phân tích thêm về tác động của tình hình thế giới như tình trạng lạm phát, dịch bệnh, xung đột vũ trang… đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đại biểu Ngô Văn Tuấn cho rằng, về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ cần lưu ý đánh giá những tác động của thế giới đến nền kinh tế Việt Nam gồm nguồn cung năng lượng và lương thực, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở một số quốc gia, chính sách tài khóa và tiền tệ mở cửa của các nước và dư nợ toàn cầu tăng cao khiến cho việc triển khai thực hiện chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến những giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giải quyết các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thu hút đầu tư.
Đồng quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nhận định, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khách quan đầy đủ kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về những tác động bên ngoài và bên trong để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về lạm phát, chỉ số tốc độ tăng trưởng, mức bội chi ngân sách, các chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị có chế tài liên quan, trong trường hợp tăng thu cần quy định cụ thể nhiệm vụ sẽ thực hiện, nhằm tích lũy thêm nhiều nguồn lực và dự phòng cho nền kinh tế./.