Chương trình hành động được xây dựng trên quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc; tăng cường liên kết kinh tế vùng và khai thác lợi thế liền kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; bảo đảm thống nhất với quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và các quy hoạch chuyên ngành theo quy định. Giữ gìn và bảo vệ an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái và sản xuất điện cho vùng đồng bằng sông Hồng với phương châm phát triển: Xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa. Phát triển toàn diện, lấy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững làm mục tiêu, trong đó lấy phát triển công nghiệp làm đột phá, phát triển du lịch làm mũi nhọn, phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo có cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển vùng động lực là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự lan tỏa đối với tất cả các vùng trong tỉnh.
Phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tập trung bảo vệ môi trường đi đôi với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại. Phát triển với động lực là thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã nhất là khu vực tư nhân làm động lực quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Chương trình hành động đề ra mục tiêu chung: Đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình khá của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021- 2030 tăng 9%. Quy mô kinh tế đạt khoảng 168 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 51%, dịch vụ chiếm khoảng 32% và thuế sản phẩm chiếm 4%; GRDP bình quân đầu người đạt 185 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 16.000 - 18.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4.050 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43,18%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80% (trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 60%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 2,5%/năm theo tiêu chí mới. Đến năm 2030: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 32-35%; có 34,5 giường bệnh/vạn dân và 12,8 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên các động lực phát triển là kinh tế số, hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh và hiện đại, kết nối hiệu quả với thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc. Xã hội phát triển dựa trên sự kết hợp giữa văn minh, sáng tạo với bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Môi trường sống được cải thiện và tiềm lực quốc phòng và an ninh được củng cố vững chắc. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường./.