Nội dung gồm: Thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đánh giá các quy định về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban Tiếp công dân cấp huyện. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lập danh sách, kiểm tra, đôn đốc và có kế hoạch rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài cũng như các vụ việc khiếu kiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh - trật tự. Đôn đốc thực hiện, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát; phân loại, nhập số liệu kết quả rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp. Thực hiện triển khai mô hình luật sư, luật gia tư vấn miễn phí tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và các huyện, thành phố; Tăng cường phối hợp giữa Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo gây mất trật tự công cộng, an ninh, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính trong thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực được dư luận và nhân dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15, thực hiện các quy định của Đảng, của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là việc tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp; định kỳ, đột xuất tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nội dung tại khoản 1, khoản 4, khoản 6, mục II. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Tiếp công dân tỉnh, thực hiện đánh giá các quy định về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban Tiếp công dân cấp huyện (khoản 1, mục II). Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu hoàn thiện quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (khoản 2, mục II). Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh (khoản 7, mục II) và thực hiện các nội dung tại khoản 8, mục II.
Ban Tiếp công dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các địa phương và cơ quan hữu quan triển khai thực hiện hiệu quả mô hình luật sư, luật gia tư vấn miễn phí tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và huyện; Phối hợp với Công an tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo gây mất trật tự công cộng, an ninh, an toàn xã hội
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; định kỳ và đột xuất báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh./.