DetailController

Thời sự trong ngày

Tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ

30/05/2024 09:36
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Hoà Bình năm 2024 với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và giao chi tiết cho các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố triển khai thực hiện, gồm: 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm, chủ yếu năm 2024; 145 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành lĩnh vực; 4 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Ngay trong tháng 01/2024, Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh và đang tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng kế hoạch và chương trình được xây dựng. Trong triển khai thực hiện có các Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh: Tỉnh đã quán triệt 7 quan điểm phát triển, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phá phát triển đề ra trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2024, Nghị quyết 318/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết 320/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quyết định dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024.

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh: Hoàn thành xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu.., rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt đề án chuyển đổi số, đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Triển khai 02 dịch vụ công liên thông về Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn tỉnh; rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án.  Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.

Tập trung chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm gồm: đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn km19 – km53, Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La, đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội), Dự án Hồ Cánh Tạng; sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình giai đoạn II, đường cao tốc Hòa Bình Mộc Châu đoạn km0 – km 19... Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chí loại II đối với thành phố Hòa Bình và loại III đối với thị xã Lương Sơn.

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Trong thu, chi ngân sách và tín dụng: Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao. Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; phấn đấu cắt giảm chi thường xuyên 5%. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm hiệu quả phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn; tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, không để tình trạng dàn trải, manh mún, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải. Quản lý chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, không để xảy ra các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Thúc đẩy việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Tiếp tục thực hiện Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tổ chức trang trọng, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch Mừng Đảng, Mừng Xuân, các hoạt động động kỷ niệm các ngày Lễ lớn, các sự kiện của địa phương trong năm 2024.

Tiếp tục phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu, phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP.

Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Tăng cường thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu. Làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động trong mọi tình huống, không để trở thành “điểm nóng”.

Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024./.