DetailController

Thời sự trong ngày

Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 12/9/2024

13/09/2024 15:59
Do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc do bão số 3 gây ra, từ ngày 06/9/2024 đến ngày 12/9/2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 712 mm, tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ước giá trị thiệt hại khoảng trên 109 tỷ đồng. Ngay sau khi có thông tin về bão số 3 xuất hiện trên biển, các cơ quan thường trực về công tác phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão số 3 có thể ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình.
Lực lượng chức năng huy động thiết bị, máy móc để thông đường đi lại cho người dân

Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai ứng phó, khắc phục bão số 3/2024, các cơ quan thường trực về công tác phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão số 3 có thể ảnh hưởng đến tỉnh. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại với các nội dung cụ thể. Lập phương án phối hợp, hiệp đồng huy động lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn, dân quân tự vệ tổ xung kích sẵn sàng lực lượng khi có sự cố xảy ra; lập phương án bảo đảm an ninh trật tự đến tận xóm, thôn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư để sẵn sàng thông tuyến giao thông, đảm bảo an toàn thông suốt; thông báo cho các chủ phương tiện thủy tìm chỗ neo đậu an toàn trong mưa bão; sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn; có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trước, trong và sau thiên tai; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và lực lượng y, bác sỹ trực để xử lý tình huống khi cần thiết; kiểm tra an toàn hồ đập, thông báo các chủ lồng bè biết để phòng tránh các tình huống bất lợi. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo cho các cơ sở giáo dục, trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 07/9 đến hết ngày 09/9.

Về thiệt hại, do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, sét gây thiệt hại tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể thiệt hại về người có 07 người chết và 02 người bị thương. Hiện tại có 1.895 hộ đã sơ tán gồm thành phố Hòa Bình 274 hộ; huyện Lương Sơn 60 hộ; huyện Cao Phong 110 hộ; huyện Tân Lạc 297 hộ; huyện Mai Châu 92 hộ; huyện Kim Bôi 123 hộ; huyện Lạc Thủy 191 hộ; huyện Yên Thủy 97 hộ; huyện Lạc Sơn 169 hộ; huyện Đà Bắc 482 hộ. Thiệt hại về nhà ở 952 hộ/nhà bị ảnh hưởng (đổ sập, tốc mái, cây đổ vào nhà, vỡ tấm lợp proximang, hư hỏng nhà, nứt tường nhà, sụt lún). Thiệt hại về nông về nông lâm, nghiệp tổng diện tích bị thiệt hại là 7.301ha (lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm ...). Trong đó thành phố Hòa Bình 401,5 ha; huyện Lương Sơn 1.3.52,3 ha; huyện Cao Phong 296 ha; huyện Tân Lạc 377,95 ha; huyện Mai Châu 177,35 ha; huyện Kim Bôi 1.470,6 ha; huyện Lạc Thủy 984,28 ha; huyện Yên Thủy 1230,93 ha; huyện Lạc Sơn 636,59 ha; huyện Đà Bắc 373,5 ha. Thiệt hại về Giáo dục 18 điểm trường bị ảnh hưởng (huyện Lương Sơn 06; huyện Tân Lạc 04; huyện Kim Bôi 02; huyện Yên Thủy 03, huyện Lạc Sơn 02 điểm, huyện Mai Châu 01).

Thiệt hại về đường giao thông đối với các tuyến Trung ương và Sở Giao thông vận tải quản lý các tuyến đường Trung ương và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh cơn bão số 3 gây mưa lớn, một số vị trí ngầm ngập sâu từ 0,3m-1m, gây tắc đường, tuy nhiên khi mưa tạnh, nước rút đã lưu thông được qua ngầm. Đối với các tuyến đường tỉnh sạt lở taluy dương tại 180 vị trí với tổng khối lượng ước tính khoảng 44.890m3 đất đá; sạt lở taluy âm tại 22 vị trí với chiều dài khoảng 252m. Trên một số tuyến đường xảy ra tình trạng nhiều vị trí cây bị gãy đổ đã được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên phát dọn chặt hạ đảm bảo giao thông ngay khi phát hiện. Hiện tại đang tiếp tục thu gọn đảm bảo an toàn giao thông. Thiệt hại về y tế 03 điểm (Huyện Tân Lạc 01 cơ sở; huyện Kim Bôi 02 cơ sở). Thiệt hại về văn hoá 11 điểm (Thành phố Hòa Bình 03; huyện Lương Sơn 01; huyện Tân Lạc 02; huyện Lạc Thủy 04; huyện Yên Thủy 01; huyện Lạc Sơn 01).

Thiệt hại về chăn nuôi 9.070 con gia súc, gia cầm bị chết (thành phố Hòa Bình 5 con gia súc, 300 con gia cầm; huyện Lương Sơn 2.170 gia cầm, 05 con gia súc; huyện Cao Phong 01 con gia súc, 150 con gia cầm; huyện Tân Lạc 07 gia súc, 85 con gia cầm; huyện Mai Châu 02 con gia súc, 100 con gia cầm; huyện Kim Bô 3.815 con gia cầm; huyện Lạc Thủy 2.120 con gia cầm; huyện Yên Thủy 02 gia súc; huyện Đà Bắc 06 gia súc; Lạc Sơn 02 con gia súc, 300 con gia cầm). Thiệt hại về thủy lợi qua rà soát đánh giá có 39 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, hư hỏng nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình. Qua thống kê sơ bộ về cơ bản, 100% hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn và thực hiện chảy tràn. Thiệt hại về thuỷ sản mưa lũ lớn gây ngập, tràn nước và vỡ ao nuôi trồng thủy sản của các hồ dân, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu vực sông suối cũng bị ảnh hưởng. Trên địa bàn tỉnh hư hỏng 29 ao cá, 09 lồng cá, thiệt hại khoảng 6,1 tấn cá, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng khoảng 13ha và một số thuyền đánh cá bị chìm nhưng đã trục vớt được. Thiệt hại về thông tin liên lạc hư hỏng 01 cột phát sóng tại huyện Mai Châu; Yên Thủy hư hỏng 13 đầu thu và 32 loa kéo; Lạc Sơn đổ 3 cột Viettel; 01 Cột Ăng ten bị đổ, gãy; 131 Cột treo cáp bị đổ, gãy; hư hỏng 02 nhà trạm, đứt 9,1km tuyến cáp; hư hỏng 3 tủ nguồn, 4 cát lọc sét của các nhà mạng truyền thông tin trên địa bàn tỉnh. Thiệt hại về nước sạch và vệ sinh môi trường thành phố Hòa Bình có 5 công trình, huyện Lạc Thủy có 252 giếng bị ngập. Thiệt hại đường điện 167 cột điện bị gãy đổ, hư hại; một số biến áp bị ảnh hưởng. Thiệt hại về cây xanh đô thị khoảng 900 cây xanh bị gãy, đổ; đổ 829m tường rào, một số hộ bị tốc mái công trình phụ Nhiều nhà xưởng của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, tỉnh Hòa Bình đã huy động các lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…, đồng thời trực 24/24h tại 151/151 xã, phường, thị trấn và 8.899 thành viên tham gia; các lực lượng Công an, Quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số. Các địa phương hiện tại đang tập trung khắc phục các thiệt hại, tiếp tục ở tại nơi sơ tán đối với khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gãy đổ, thống kê thiệt hại đợt thiên tai theo quy định. Đến thời điểm hiện tại còn mưa nhỏ tại một số nơi, các địa phương đã chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về sạt lở, ngập lụt trở lại nhà để ở. Thực hiện các thủ tục mai táng, hỗ trợ cho người tử vong; chăm sóc, cứu chữa cho người bị thương. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện Đà Bắc, huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi đến tận nơi thăm hỏi và động viên gia đình có người bị thương vong. Sửa chữa các nhà cửa hư hỏng, tốc mái; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường.

Về cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… đã được khôi phục bước đầu để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đơn vị chuyên môn thuộc Sở xuống các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập, đê kè, hệ thống công trình thủy lợi; hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản phục hồi sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo ổn định sản xuất nông lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát đánh giá, hiện một số hồ xảy ra sự cố nhỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các biện pháp khắc phục các sự cố, đảm bảo an toàn hồ chứa. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị và chủ hồ chứa tiếp tục xả nước hạ thấp mực nước hồ, chỉ thực hiện tích nước khi hồ chứa đảm bảo an toàn. Kiểm tra, đánh giá thiệt hại, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Chủ động trích từ nguồn lực từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 số kinh phí 23 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục thiệt hại đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát động kịp thời, nhanh chóng thư, chương trình kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng và đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra./.