Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật có 10 chương và 86 Điều, thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị định số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022. Gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Luật Tài nguyên nước đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”.
So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã thể chế nhiều nội dung quan trọng, đột phát hướng tới tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và mục tiêu quan trọng nhất đó là bảo đảm an ninh nguồn nước Quốc gia. Các chính sách như: Đảm bảo an ninh nguồn nước Quốc gia, điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; phân công phần cấp triệt để cho các địa phương….
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tổng quan về Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Luật Tài nguyên nước và các Nghị định quy định cụ thể 107 nhiệm vụ của UBND các cấp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai, thi hành Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, khai thác tốt tài nguyên nước tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đề nghị các sở, ban, ngành tham mưu giải quyết các nội dung liên quan lĩnh vực tài nguyên nước. Tiếp tục nghiên cứu Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, tham gia tích cực công tác tuyên truyền phổ biến, tập huấn pháp luật về tài nguyên nước. Chủ động rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản triển khai thi hành pháp luật tài nguyên nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả, hiệu lực./.