DetailController

Thời sự trong ngày

Năm 2022, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng ước đạt 38.920 tỷ đồng

30/11/2022 00:00
Ngay từ đầu năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất. Đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, cho vay các chương trình ưu tiên.

Ước đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 38.920 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2021; trong đó vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 30.180 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 32.970 tỷ đồng, tăng 12,5% so với 31/12/2021. Trong đó dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 52%/ tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng trên 20%/tổng dư nợ. Nợ xấu toàn địa bàn ở mức dưới 2% tổng dư nợ.

Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành quy định. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đăng ký với Hội sở chính về chỉ tiêu kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, trong 02 năm 2022, 2023 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thông tư 03/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022. Kết quả đến 30/9/2022, doanh số đã thực hiện hỗ trợ lãi suất là 26,45 tỷ đồng cho 7 khách hàng với số tiền là 17,6 triệu đồng.

Đồng thời, tập trung rà soát, xác định nhu cầu và triển khai cho vay kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.  Đến 16/10/2022, đã giải ngân cho vay được tổng số tiền trên 212,5 tỷ đồng với 3.416 lượt khách hàng vay vốn của 4/5 chương trình. Trong đó cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 2.034 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP với 309 lượt khách hàng với tổng số tiền là 101,2 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến với 1.058 lượt khách hàng với tổng số tiền là 9,99 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập với 15 lượt khách hàng với tổng số tiền là 1,24 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, đã thực hiện miễn, giảm 54 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 9.922 tỷ đồng đối với 82.411 khách hàng; cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, thời hạn trả nợ cho 2.219 khách hàng với số tiền là 2.556 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 5.714 tỷ đồng đối với 1.480 khách hàng; riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ cho 72 khách hàng với số tiền 2,1 tỷ đồng. Thực hiện giải ngân được trên 5,2 tỷ đồng đối với 11 doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19./.