Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, cơ cấu kinh tế mặc dù đã chuyển dịch theo đúng hướng nhưng còn chậm; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; công nghiệp thông minh chưa có. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tốc độ phát triển doanh nghiệp còn chậm, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung của cả nước.
Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do: Nhận thức về vị trí, vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một số cấp ủy, chính quyền còn chưa đầy đủ, chưa sâu sát, quyết liệt; một số chủ trương, nghị quyết chưa được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn. Nguồn lực của tỉnh còn thấp; năng lực cạnh tranh còn yếu; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Công nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế. Công tác phát triển công nghiệp, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người đứng đầu trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được thường xuyên.
Để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024, ngày 18/4/2023, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, xây dựng 10 Chương trình cụ thể:
Chương trình 01: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mục tiêu là các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động quyết liệt để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 9%/năm. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu nhằm nghiên cứu tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là lĩnh vực cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đề xuất cơ chế hoàn thiện chính sách về các lĩnh vực đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn,…để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.
Mục tiêu nhằm tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển bền vững, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 9%/năm; diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên. Phấn đấu đến năm 2030, 100% KCN, CCN đang hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh và đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2030, chỉ tiêu đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 43,18%.
Mục tiêu nhằm phát triển ngành nông nghiệp nhanh, bền vững, hiệu quả góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn. Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản đến năm 2030 bình quân tăng 3,5-4%. Ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, nông nghiệp sạch có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch là thế mạnh của tỉnh.
Chương trình 05: Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mục tiêu nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%; mức đầu tư cho khoa học và công nghệ tăng dần qua các năm và đạt ít nhất 1% tổng chi ngân sách địa phương. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hỗ trợ cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu quốc gia (GII) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Mục tiêu nhằm tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng, xây dựng cơ bản; không để xảy ra tình trạng phân bổ vốn dàn trải; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tập trung đầu tư phát triển vùng động lực (thành phố Hòa Bình - huyện Lương Sơn – vùng Bắc Lạc Thuỷ) tạo thành trục phát triển quan trọng của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh, là đầu tàu kéo các vùng khác phát triển.
Chương trình 07: Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mục tiêu nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số và chất lượng
để tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các ngành sản phẩm động lực. Phấn đấu đến năm 2030 đạt được mức 100 doanh nghiệp/vạn dân. Tập trung phát triển doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là động lực chính, giữ vai trò chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá.
Mục tiêu nhằm tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển mạnh tài chính xanh, tín dụng xanh. Phấn đấu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Phát triển mạng lưới hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với phát triển dịch vụ tài chính. Phấn đấu tăng trưởng huy động vốn bình quân tăng trên 12%/năm; tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 15%/năm.
Chương trình 09: Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước
Mục tiêu nhằm tăng cường xây dựng và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiểm soát, quản lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, khí thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông, xây dựng; chú trọng công tác đảm bảo an ninh nguồn nước. Đầu tư triển khai đồng bộ hệ thống quan trắc môi trường tự động. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.
Mục tiêu nhằm tập trung thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và đạo đức công dân. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo, nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với khoa học và công nghệ; tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức trên 50%./.