DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tại thảo luận tổ sáng ngày 3/6

04/06/2014 00:00
Sáng ngày 03 tháng 6 năm 2014, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Phát biểu tại tổ cơ bản các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội để tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại thảo luận tổ sáng ngày 3/6

 Các đại biểu đồng tình cao với việc quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tỷ lệ này có thể là 35 đến 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Cần tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương, hiện nay do đặc thù nên một số Đoàn chỉ còn lại từ 1 đến 2 đại biểu ở địa phương thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội cho Đoàn, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Đồng tình với những ý kiến phát biểu, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng: Dự thảo Luật cần cụ thể hóa tối đa những quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những quy định trong dự thảo Luật chưa đi sâu vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Cần quy định rõ Quốc hội có trách nhiệm giải trình như thế nào với các cơ quan hành pháp, tư pháp và trách nhiệm trọng việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri.

Hoạt động của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay phải phụ thuộc vào Chính phủ. Người giải trình những quy định còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật lại là Ủy ban thường vụ Quốc hội mà không phải do cơ quan trình dự án Luật thực hiện. Như vậy là đã thực hiện quy trình ngược, vậy có cách nào để trong Luật quy định rõ hơn quy trình làm Luật chặt chẽ hơn và thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội.

Đối với chương đại biểu Quốc hội: Tôi đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội. Quốc hội hiện nay còn tình trạng, cơ quan nào trình Luật thường có động tác lốp pi, tạo sự không minh bạch, tạo ra cơ hội, lợi ích nhóm trong mỗi dự án Luật. Do đó, nên quy định cụ thể vấn đề này vào dự thảo Luật. Có cho phép các cơ quan trình dự án Luật được tiếp cận với đại biểu Quốc hội để thực hiện lốp pi hay không?...

Về đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi đồng tình với việc tăng số đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, việc tăng đại biểu chuyên trách phải được thực hiện ở cả Trung ương đến địa phương. Thực tiễn hoạt động trong thời gian qua cho thấy, ở các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cũng rất cần có đại biểu chuyên trách. Tôi đề nghị nên đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, để kế cận.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội, tôi tha thiết đề nghị phải làm rõ địa vị pháp lý của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Luật phải quy định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với các cơ quan  hữu quan những nội dung mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Tổ chức giám sát và thực hiện các chức năng khác.

Luật cần phải xác định rõ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan giúp việc cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Vì vậy, tôi đề nghị tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân như hiện nay thành 02 văn phòng độc lập đó là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân./.