Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Sau khi nghe ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu trước tôi về tên của dự thảo luật, cũng như một số vấn đề khác, tôi bày tỏ hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, để tránh trùng lặp, tôi xin tập trung đề cập vào Chương III của dự thảo luật đó là việc đảm bảo an toàn cho các thông tin cá nhân trên mạng.
Với mục đích hạn chế thực trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam trong thời gian qua, dự thảo luật đã có quy định bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng đã được trình bày trong 5 điều, từ Điều 28 đến Điều 32 tại Chương III của dự thảo luật. Tuy nhiên, các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng được trình bày trong 5 điều này, theo tôi chưa thực sự đầy đủ, cũng như chưa bao quát hết. Cụ thể như sau:
Trong tuần qua, một nữ sinh 15 tuổi tại tỉnh Đồng Nai, uống thuốc diệt cỏ quyên sinh, do bạn trai 22 tuổi đưa video về quan hệ của hai người lên mạng xã hội, chỉ sau khi xuất hiện 2 ngày thì video này đã lan truyền với tốc độ rất nhanh có tới 5.068 người xem. Có thể nói việc này gây tác động rất mạnh đến tâm lý của nữ sinh, kết quả như ta đã biết rất đau lòng là nữ sinh đã quyên sinh. Có một câu nói của nữ sinh trong thời gian 3 ngày chạy chữa cho em tại bệnh viện và làm cho tôi hết sức suy nghĩ đó là "xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu". Đối chiếu với các quy định và các thuật ngữ được đề cập đến trong dự thảo luật, cụ thể là thông tin cá nhân, là thông tin gắn với việc xác định rõ danh tính thân nhân của một người cụ thể.
Thứ hai là thông tin riêng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó không công khai, hoặc chỉ công khai trong một nhóm đối tượng đã được xác định danh tính và địa chỉ cụ thể. Trong thời gian nghỉ giải lao 20 phút vừa qua, tôi cũng đã có một trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thấy rằng Video clip này do bạn trai của nữ sinh đưa lên mạng thì thuộc loại thông tin riêng, không phải là thông tin cá nhân và việc bảo vệ thông tin riêng cũng như các quy định khác về thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật. Có thể nói là mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, đối với gia đình của em nữ sinh khi phát hiện ra vấn đề này? Cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp với gia đình trong suốt thời gian ba ngày đó thì gia đình cũng không biết cầu cứu ở đâu và cũng không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán này?
Việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu mạng Internet, mạng xã hội đã được nhiều nước quan tâm và đặc biệt trong thời gian vừa qua tại Diễn đàn nghị sỹ trẻ toàn cầu được tổ chức tại Tokyo ngày 24, 25 tháng 5 cũng đã đề cập đến vấn đề này một cách hết sức sâu sắc. Theo tôi, việc xây dựng Luật an toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội nên thanh thiếu niên mà trước hết là cần bổ sung thêm về các quy định đối với việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng vào Chương III. Tôi đề nghị tha thiết với Ban soạn thảo quan tâm đến việc đổi tên của Chương III, cụ thể là đổi tên Chương III của dự thảo luật thành "Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng". Đồng thời, bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của luật cụ thể như sau: Luật này quy định hoạt động về an toàn thông tin bao gồm đảm bảo an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng. Ý kiến của tôi đến đây là hết, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.