Sáng ngày 08/11/2016, Quốc hội tiến hành Phiên thảo luận tại tổ đại biểu về Dự án Luật Thủy lợi. Tại tổ đại biểu số 03, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật:
1. ĐBQH Trần Đăng Ninh phát biểu:
Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi
Tôi thấy rằng nước ta là nước có khí hậu khắc nghiệt, các công trình thủy lợi là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để quản lý và vận hành các công trình thủy lợi một cách có hiệu quả cần có những quy định cụ thể của pháp luật. Do đó việc ban hành Luật Thủy lợi là việc cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề này.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh của Luật Thủy lợi
Tôi đề nghị cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Thủy lợi để không trồng chéo với các quy định của luật khác, như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…v.v.
Thứ ba, về một số nội dung cụ thể
- Đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm về “những công trình phụ trợ”.
- Đề nghị “Công trình trên kênh” là những công trình nào?. Đề nghị làm rõ trong Dự thảo Luật.
- Khái niệm “Hành lang bảo vệ công trình thủy lợi” trong Dự thảo Luật là chưa rõ ràng, như khoảng cách, như cấp có thẩm quyền…v.v. Đề nghị quy định rõ ràng.
- Về an toàn đập, đề nghị bỏ từ “bảo đảm”, đồng thời Dự thảo Luật phải có quy định về phần thượng lưu của công trình thủy lợi.
- Về “tình huống khẩn cấp” tôi thấy Dự thảo Luật quy định mang tính lý thuyết, chỉ quy định trong tần suất theo thiết kế. Đồng thời, đề nghị cần chỉnh sửa “đơn vị khai thác” chứ không phải “đơn vị sở hữu”.
- Tại Điều 22 và Điều 40 của Dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về thủy lợi để phù hợp với Điều 23.
- Tại Điều 24 chỉ nêu những công trình thủy lợi lớn mà không có quy định về quản lý, khai thác, sử dụng những công trình thủy lợi nhỏ lẻ. Đề nghị nêu rõ cơ quan nào tổ chức quản lý những công trình nhỏ lẻ và quản lý như thế nào.
- Về giá dịch vụ thủy lợi, đề nghị cần quy định rõ cơ quan nào quyết định giá, đồng thời quy định rõ giá tạo nguồn công trình thủy lợi./.
2. ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu
Thứ nhất, Trước hết tôi đồng tình với các ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi về sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, nghiên cứu một cách tổng thể thì thấy mô hình chưa rõ ràng, Dự thảo Luật chưa định hình được ngành thủy lợi trong những năm tới sẽ như thế nào?. Nên khó xây dựng được luật mang tính hoàn chỉnh. Nếu xác định thủy lợi là chủ đạo thì phải quy định rõ ràng, nếu xã hội hóa thì phải quy định trách nhiệm của Nhà nước đến đâu, còn thị trường đến đâu, Nhà nước tác động không nhiều mà phần lớn là thị trường. Theo quan điểm của tôi như vậy mới khả thi.
Thứ hai, Tôi thấy một số quy định trong Dự thảo Luật không phù hợp với các quy định của luật khác, như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật đầu tư…v.v. Đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ quyền của chủ sở hữu công trình thủy lợi và người khai thác công trình thủy lợi. Quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu hay chủ đầu tư trong các trường hợp mà công trình thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu, tôi đã tham khảo Luật thủy lợi của một số nước trong khu vực. Đề nghị cần rà soát trách nhiệm của các cơ quan tham gia đầu tư, cơ quan khai thác, thu hồi vốn đầu tư các công trình thủy lợi.
Đề nghị cần làm rõ thêm các công trình lưỡng dụng. Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng tới đây một số công trình thủy điện chuyển sang công trình thủy lợi.
Về vận hành các công trình thủy lợi tại Điều 25, tôi đề nghị cần có phân cấp mạnh hơn; tại Điều 37, Điều 38 đề nghị phân cấp mạnh hơn cho địa phương, tăng quyền lực cho Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc ban hành các chính sách về quản lý các công trình thủy lợi.
Về thành lập các tổ chức quản lý tại Điều 69, đề nghị quy định rõ thẩm quyền quản lý cấp tỉnh là cơ quan nào. Một số quy định không rõ ràng, không gắn trách nhiệm quản lý các công trình thủy lợi với cấp huyện, cấp xã.
Đề nghị làm rõ thẩm quyền quản lý đất đai đối với công trình thủy lợi tại Điều 49, Điều 51, Điều 52; về hành lang an toàn công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất của người dân./.
Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại tổ
3. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải phát biểu
Thứ nhất, Tôi rất băn khoăn với việc chuyển phí thủy lợi sang giá dịch vụ thủy lợi. Tôi đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Bình về việc cần có báo cáo đánh giá tác động của quy định chuyển phí sang giá. Tôi thấy việc thu thuế sử dụng đất với việc thu phí sử dụng nước là có mâu thuẫn.
Thứ hai, tôi đại diện nhân dân tỉnh Hòa Bình, rấy băn khoăn, lo lắng về tính an toàn của công trình Thủy điện Hòa Bình. Tính ảnh hưởng rất lớn nếu xảy ra mất an toàn đối với công trình này.
Tại Điều 47, chúng tôi băn khoăn với câu “hành lang an toàn xả lũ”. Nếu xả lũ công trình thủy điện Hòa Bình với 3000m3/s thì tính sao, sẽ gây ngập lụt nhiều khu vực. Do đó, tôi đề nghị cần có một Điều riêng trong Dự thảo Luật thủy lợi quy định về vấn đề này./.