Trong thời gian vừa qua, cùng với các giải pháp, chính sách Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ khó khăn do tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như: triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12 nghìn tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thuế đối với nhiên liệu bay…, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp tự thân, cơ cấu lại tổ chức, hoạt động của Tổng công ty, tiết kiệm, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại nợ vay, nhờ đó đã góp phần đáng kể trong xử lý giảm lỗ. Tuy nhiên, do chịu tác động khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị trên thế giới, chi phí đầu vào (giá dầu, tỷ giá, chi phí kỹ thuật…) tăng cao, biến động rất lớn so với dự báo khi báo cáo Quốc hội năm 2020 đã để lại hậu quả cho Tổng công ty rất nghiêm trọng. Âm vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế rất lớn (Công ty Mẹ là 32,5 ngàn tỷ đồng; Hợp nhất là 41 ngàn tỷ đồng).
Theo đại biểu, trong bối cảnh này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cần có các giải pháp tổng thể mới đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là giải pháp ngắn hạn, giúp Tổng công ty tạm thời có dòng tiền để ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, các giải pháp tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là các giải pháp căn cơ giải quyết được hai mục tiêu cho Tổng công ty, đó là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu. Khi năng lực tài chính của Tổng công ty được cải thiện, Tổng công ty sẽ có nguồn vốn dài hạn để để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là dự án liên quan đến Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, là căn cứ chính để Tổng công ty thực hiện trọng trách của hãng Hàng không quốc gia và tiếp tục vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới.
Theo báo cáo của Chính phủ, Đề án tổng thể sớm phục hồi và phát triển bền vững của Tổng công ty Hàng không Việt Nam được xây dựng từ đầu năm 2021, đến nay vẫn chưa được phê duyệt, nguyên nhân do có nhiều vướng mắc, bất cập giữa một số văn bản Luật.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm rõ các vướng mắc pháp luật này và có đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phương án xử lý cụ thể. Yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Đề án tổng thể để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay trong năm 2024. Đồng thời, đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, rà soát tất cả các quy trình hoạt động của từng khâu để cắt giảm tối đa chi phí, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn bay và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.