Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là một trong hai chuyên đề đã được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2023.
Tiếp đó, Quốc hội xem videoclip về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 29/5, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
“ Cùng với hệ thống chính trị vào cuộc để huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã xác định rõ trách nhiệm, phát huy lực lượng đông đảo, chủ động phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi tổ chức triển khai công tác vận động, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Phải thấy rằng, hơn lúc nào hết tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện và nâng cao. Từ T.Ư đến địa phương tất cả tập trung huy động mọi nguồn lưc cả về tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm để cùng với Chính phủ, các địa phương PCD...
Thời điểm dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã ra Lời kêu gọi ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Với truyền thống quý báu "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, mặc dù tỉnh Hòa Bình còn rất khó khăn nhưng với tình cảm và trách nhiệm vì miền Nam ruột thịt, chỉ trong 3 ngày, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, ước tính trên 400 tấn, trị giá trên 4 tỷ đồng...” – đại biểu Đặng Bích Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể những tồn tại, hạn chế. Qua đó, để tiếp tục giải quyết những tồn tại, vướng mắc được chỉ ra, đại biểu đề nghị Đoàn giám sát bổ sung một số nội dung:
Thứ nhất, báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, trong đại dịch giai đoạn 2020 - 2022 đã huy động nguồn lực lớn cả tài lực, nhân lực, vật lực, máy móc trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; dự thảo Nghị quyết đồng thời cũng đã đề cập: “Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành”. Tuy nhiên, chưa đề cập đến công tác quyết toán việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực này, nhất là các nguồn lực được huy động, đóng góp bằng tiền. Theo báo cáo kết quả quyết toán số chi các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng chống dịch là chưa được làm rõ. Đối với khoản tiền huy động từ nguồn ngoài NSNN, hiện cũng chưa có cơ chế để thực hiện quyết toán, phần nguồn lực từ ngân sách nhà nước, trong báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, số chi này cũng chưa được báo cáo rõ và các số liệu hiện nay cũng không khớp với các số liệu trong quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm một khoản trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Chính phủ thực hiện quyết toán riêng toàn bộ số tiền huy động và sử dụng để phòng chống dịch (gồm cả nguồn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước) và báo cáo Quốc hội khi quyết toán NSNN niên độ năm 2022. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương quyết toán các khoản huy động ngoài NSNN; đề xuất phương án sử dụng số kinh phí huy động còn lại đảm bảo người dân được giám sát nội dung này với đúng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để có cơ sở sau này thực hiện huy động nguồn lực.
Thứ hai, để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc thực hiện mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện hiện nay, đề nghị tiếp tục duy trì thực hiện mô hình Trung tâm y tế đa chức năng và thực hiện quy định Trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn chuyên môn về lĩnh vực y tế tạo điều kiện cho y tế cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn./.