DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại tổ chiều 17/6

18/06/2024 09:11
Thảo luận tại tổ chiều 17/6 về các Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, cho rằng: Cần cân nhắc xem xét quy định ở mỗi tỉnh cần phải thực hiện tối thiểu 1 phòng công chứng Nhà nước để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công chứng, bảo đảm thực hiện tối đa công tác quản lý Nhà nước về công chứng.
Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Cần thiết áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% mặt hàng phân bón

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà bày tỏ đồng tình việc Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 từ diện không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5% để giải quyết những vướng mắc, bất cập của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về phân bón. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, ban soạn thảo cần quy định cụ thể thêm việc xác định hành vi nào gây tổn hại sức khỏe, danh dự của công chức quản lý thuế tại khoản 12 Điều 13 về các hành vi bị nghiêm cấm.

Đối với nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị, cần xem xét vấn đề này bởi nếu đưa ra phải có chính sách ổn định dài lâu, không nên 6 tháng điều chỉnh một lần sẽ gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện đối với các doanh nghiệp và các bộ, ngành địa phương.

Khắc phục bất cập trong việc chuyển đổi, giải thể phòng công chứng

Tán thành sự cần thiết việc sửa đổi Luật Công chứng theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc chia sẻ, việc sửa đổi lần này để kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong tổ chức thực hiện trong Luật Công chứng 2014.

Theo đại biểu, qua khảo sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi cần phải sửa đổi bổ sung kịp thời để Luật Công chứng đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Đồng tình với việc chuyển đổi giải thể phòng công chứng theo quy định tại khoản 1, Điều 19. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước không còn tồn tại phòng công chứng mà đã chuyển đổi 100% thành văn phòng công chứng. Tuy nhiên qua khảo sát thực tiễn triển khai Luật Công chứng 2014 cho thấy ở một số địa phương đã chuyển đổi mô hình thì ban soạn thảo cần đánh giá lại những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiện nay, công tác lưu trữ hồ sơ công chứng của các phòng công chứng tại khoản 5, Điều 65 quy định: "Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng bị giải thể hoặc chấm dứt tổ chức hoạt động hành nghề công chứng đó phải thỏa thuận với 1 tổ chức hành nghề công chứng khác về tiếp nhận hồ sơ công chứng, nếu không thoả thuận được hoặc không thể thoả thuận thì Sở Tư pháp sẽ chỉ định một tổ chức hành nghề công chức khác tiếp nhận hồ sơ công chứng. Trong trường hợp phòng công chứng được chuyển đổi thành văn phòng công chứng thì hồ sơ công chứng do văn phòng công chứng được chuyển đổi lưu trữ".

ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhận thấy, quy định như vậy chưa bảo đảm tính phù hợp. Bởi thực tế các văn phòng công chứng là do các cá nhân công chứng viên thành lập. Trong khi đó, nếu thực hiện thoả thuận là phù hợp, nhưng trong trường hợp Sở Tư pháp chỉ định thì còn bất cập. Do đó cần đánh giá kỹ tác động ở những tỉnh đang thực hiện mô hình này nhưng không còn tồn tại phòng công chứng Nhà nước xem còn bất cập gì. Để khi sửa đổi Luật sẽ vừa bảo đảm quy định nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó nên cân nhắc xem xét quy định ở mỗi tỉnh cần phải thực hiện tối thiểu 1 phòng công chứng Nhà nước để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công chứng, bảo đảm thực hiện tối đa công tác quản lý Nhà nước về công chứng. Nếu tư nhân hoá sẽ dẫn đến chuyển đổi toàn bộ mô hình thành văn phòng công chứng sẽ gặp khó khăn.

Về tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng tại Điều 30, đề nghị xem xét làm rõ nội dung này. Trong trường hợp trên địa bàn không có tổ chức hành nghề nào hoặc các tổ chức trên địa bàn không thực hiện chỉ định của Sở Tư pháp thì quyền lợi của người dân tại các văn phòng công chứng đã tạm dừng thì được giải quyết ra sao. Đề nghị ban soạn thảo cần xem xét kỹ nội dung này để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như công tác quản lý Nhà nước về công chứng.

Về giới hạn độ tuổi của công chứng viên của dự thảo Luật đang quy định không quá 70 tuổi, đề nghị xem xét không nên cân nhắc cứng về độ tuổi. Bởi thực tế hiện nay đối với những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉ lệ thi đỗ công chứng còn hạn chế, người làm nghề công chứng chủ yếu là những cán bộ đã về hưu. Ngoài ra các văn phòng công chứng còn đang thuê chứng chỉ hành nghề để thực hiện nội dung này. Mặt khác, hàng năm có thể tổ chức các đợt khám sức khoẻ định kỳ đối với đội ngũ hành nghề công chứng để bảo đảm sức khoẻ của những người hành nghề công chứng. Nếu trong trường hợp còn đủ điều kiện sức khoẻ thì tiếp tục cho thực hiện hành nghề.

Về mô hình văn phòng công chứng tại khoản 1, Điều 20, theo dự thảo Luật nên sửa đổi quy định theo hướng cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo 2 loại hình đó là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh là cần thiết, nếu bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn để giải quyết được những bất cập và thực tiễn hiện nay.

Về địa điểm công chứng tại Khoản 2 Điều 44 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có liệt kê cụ thể 3 trường hợp công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Việc quy định các trường hợp được thực hiện ký ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng như vậy đang mang tính bó hẹp, việc này mẫu thuẫn với nội dung tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng mà dự án Luật sửa đổi đã đưa ra. Bên cạnh đó, việc liệt kê các trường hợp công chứng viên được ký văn bản công chứng ngoài trụ sở như vậy chưa tương thích với quy định tại Điều 639 Bộ luật Dân sự 2015 là người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Nếu chúng ta quy định như dự thảo sẽ khó bảo đảm đầy đủ những trường hợp thực tế phát sinh, ngoài ra, việc liệt kê không đủ sẽ làm cản trở giao dịch dân sự chính đáng khi phát sinh. Do đó cần xem xét lại nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng thống nhất quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động công chứng, đặc biệt là góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số hiện nay.