Cụ thể, về nguyên tắc phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi được quy định tại Điều 9 của dự thảo, cũng như được quy định tại Điều 11 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo đại biểu Hoàng Đức Chính, hiện nay không còn cấp huyện, cấp xã thì sáp nhập nên nhiều nội dung liên quan trên địa bàn 2 xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh. Trong Luật Ngân sách nhà nước nêu, những nội dung liên quan đến chính quyền cấp trên có thể ủy quyền trong chính quyền cấp dưới để tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ và phân bổ, giao dự toán để cho chính quyền cấp dưới tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung này thực tiễn tới đây sẽ phát sinh, do vậy, trong khoản 6, Điều 9 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết cụ thể để trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sẽ bảo đảm việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương được thông suốt.
Liên quan đến các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) cho rằng, hầu hết các địa phương chịu điều tiết ngân sách Trung ương hỗ trợ đều có kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn Do vậy, đề nghị không phân chia tỷ lệ phần trăm điều tiết các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương "tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", được quy định tại khoản 2, Điều 35 dự thảo.
“Thực tế hiện nay đang phân cấp cho địa phương hưởng 100% nhưng tùy theo điều kiện của tỉnh thì có tỉnh điều tiết về tỉnh một phần, cấp huyện và xã chỉ được khoảng 70 - 80%. Do vậy đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ nên điều tiết đối với những địa phương có số thu ngân sách tự cân đối được. Bởi những địa phương này có nguồn thu về đất cũng thuận lợi hơn những địa phương khó khăn khác”, đại biểu Hoàng Đức Chính nêu quan điểm.