Thảo luận trong phiên họp hôm nay tôi xin chuyển đến Quốc hội ý kiến của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng.
Kính thưa Quốc hội trong thời gian gần đây dư luận nhân dân rất vui mừng và phấn khởi khi được thông tin tháng 10/2016, chủ trì phiên họp BCH Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm 2016 và quý I/2017 sẽ đưa 06 vụ án tham nhũng nghiêm trọng ra xét xử, điều này cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và sự quan tâm của nhân dân về công tác này rất lớn.
Tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Đó là công tác phòng chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân…các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý, vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội được đề cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
Nhưng cũng như Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 và những năm trước đây, Báo cáo của Chính phủ năm 2016 tiếp tục đánh giá “ Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến và tính chất rất nghiêm trọng”. Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn ở nước ta hiện nay, nếu không sớm đẩy lùi thì thực sự là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ bởi lòng dân không yên. Tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích. Ngày càng phát hiện nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ phải chịu cảnh “ đắp chiếu” của các Doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là đầu tàu kinh tế ( Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình, Thép Thái Nguyên, Ethanol Dung Quất, Bột Giấy Phương Nam…), đầu tư rất đúng quy trình nhưng nguyên nhân “đắp chiếu” thì rất đơn giản ( Do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, do nguyên liệu không phù hợp với công nghệ…), những dự án chưa làm đã biết không hiệu quả hay sớm muộn thì Chính phủ cúng phải trả nợ thay đơn giản vì đó là Doanh nghiệp nhà nước. Phải chăng đó chỉ là trình độ quản lý kinh tế yếu kém, nay xin rút kinh nghiệm!
Nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử với các bàn án nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân, tuy vậy tài sản thu hồi được lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Vậy hàng ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì? Ai đã nhận nó? Vẫn là câu hỏi nhân dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao mà thu hồi, làm sao diệt tham nhũng tận gốc được?
Tôi cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ và cho rằng Chính phủ đã mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng. Năm 2016 được xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Điều đó khẳng định quyết tâm của Chính phủ là nhằm thẳng vào sự thật để khắc phục trong thời gian tới.
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt đựơc kết quả, tôi cơ bản thống nhất với 08 nhóm giải pháp do Chính phủ đưa ra, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp sau:
Một là, cần coi trọng công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh:
- Hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều sơ hở, bất cập, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chúng ta muốn làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng mà chỉ dựa vào quy định của Luật phòng, chống tham nhũng thì chưa đủ đó chỉ là giải quyết phần ngọn nên không hiệu quả. Theo tôi, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật cán bộ, công chức, Luật phòng, chống tham nhũng như miễn hoặc bỏ quy định đối với tội đưa hối lộ, giải quyết án tham nhũng theo phương pháp truy xét theo lời khai và vật chứng, người làm chứng thay cho chứng minh hành vi nhận hối lộ. Cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch của tài sản mình có nếu không chứng minh được thì đó được coi là tài sản tham nhũng mà có. Không thể giải quyết qua quýt là của “ ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa…” cho là xong chuyện. Mọi cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát của nhà nước về tài sản của mình và không coi đó là quyền bí mật cá nhân hay đời tư.
Kinh nghiệm của các quốc gia xung quanh chúng ta là một gợi ý tốt: Trung Quốc mỗi năm công chức phải kê khai tài sản 02 lần, nếu không giải thích rõ nguồn gốc thì tài sản đó bị coi là phi pháp; Thái Lan còn quy định công chức sau khi thôi chức vụ cũng phải kê khai tài sản, công chức nào không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý; Singapo cho phép toà án tịch thu bất cứ tài sản nào của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc của tài sản đó.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát các quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách, quản lý sử dụng tài sản công, đầu tư công, thủ tục cấp phép và các thủ tục hành chính khác là những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao.
Hai là, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng:
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “ Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên với giặc nội xâm (tham nhũng) không thể thành công nếu không có sự tham gia của nhân dân, hay chính xác hơn là sẽ không thành công nếu Đảng, nhà nước không huy động được sức mạnh của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn là “ Vai trò quan sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ”, tôi rất đồng tình với đánh giá này. Có một vấn đề đặt ra chúng ta đã thực sự có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát chưa? Trong các kỳ họp Quốc hội Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội đều phản ảnh tâm trạng bức xúc của nhân dân về tình trạng tham nhũng nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, thậm chí tình hình tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn như báo cáo hàng năm của Chính phủ. Theo tôi, muốn huy động được sức mạnh của nhân dân cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Coi trọng và thanh tra, kiểm tra, điều tra thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân về tham nhũng, có cơ chế để nhân dân, cá nhân được thu thập chứng cứ đấu tranh với tham nhũng. Có chính sách bảo vệ hữu hiệu người đấu tranh chống tham nhũng, không để trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích phòng, chống tham nhũng sau đó lại trở thành tội phạm điều đó đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, nhà nước ta. Mở rộng cơ chế xem xét đơn, thư tố cáo nặc danh có liên quan đến tham nhũng, coi đó là kênh thông tin quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý trong đó tập trung làm rõ cơ chế “ lãnh đạo tập thể” phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện công khai, minh bạch trong quy trình ban hành quyết định, phê duyệt, kể cả quyết định, phê duyệt nhân sự lãnh đao, quản lý. Đảng cần luật hóa quy trình, quy định đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức quản lý Doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013./.