DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Bài phát biểu đóng góp vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2005/QH13

27/10/2016 00:00
Ngày 26/10, Quóc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội Hoà Bình phát biểu.

 Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100 của Chính phủ trình tại kỳ họp này. Về cơ bản dự thảo luật đã được tiếp thu chỉnh sửa, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, tôi xin trình bày quan điểm của mình vào hai vấn đề sau:
Một, về phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015. Tôi nhất trí chỉ tập trung sửa đổi những quy định có sai sót rõ ràng về nội dung và kỹ thuật lập pháp, khắc phục những mâu thuẫn chồng chéo giữa các điều luật và những quy định chưa hợp lý, khó để áp dụng vào thực tế. Còn những nội dung lớn khác trong bộ luật liên quan đến chính sách mới chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và chỉnh sửa sao cho phù hợp hơn.
Hai, về quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự tại các Điều từ 245 đến 252 của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong thời gian qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, án ma túy chiếm phần lớn trên tổng số các vụ án hình sự, việc giải quyết án ma túy gặp nhiều khó khăn, vì hiện nay chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn chi tiết về việc quy định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.
Liên quan đến việc thực hiện Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi thành từ ngày 01/7/2016, các tội phạm về ma túy được quy định từ Điều 248 đến Điều 252 thì việc sửa đổi lần này cụm từ "trọng lượng" đã được thay thế bằng cụm từ "khối lượng" để quy định về định lượng các chất ma túy.
Trước tiên tôi muốn nói đến các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án ma túy hiện nay theo các điều luật trong Bộ luật hình sự năm 1999. Thực tế tại địa phương giải quyết án ma túy gặp nhiều khó khăn từ khi thực hiện Công văn số 234 ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao. Trong nội dung công văn có nêu: bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma tuý trong các chất thu giữ nghi là chất ma tuý để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo, theo đó trọng lượng chất ma tuý đồng nghĩa với trọng lượng tinh chất ma tuý. Nghĩa là phải lấy trọng lượng của khối lượng chất ma tuý nhân với hàm lượng để tính ra trọng lượng của tinh chất ma tuý và lấy đó để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt. Như vậy gây khó khăn, ách tắc, nhiều vụ án đang giải quyết ở các giai đoạn tố tụng hoặc không khởi tố được, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma tuý.
Tại Thông báo số 264 ngày 29/10/2014 của Toà án nhân dân tối cao có nội dung: việc giám định hàm lượng chất ma tuý là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma tuý, để từ đó xác định trọng lượng chất ma tuý được hiểu là trọng lượng ma tuý tinh chất, ma tuý nguyên chất. Nội dung này chưa phù hợp với các điều luật trong Chương XVIII Bộ luật hình sự năm 1999, các tội phạm về ma tuý quy định căn cứ vào trọng lượng và khối lượng chất ma tuý để truy tố, xét xử mà không căn cứ vào hàm lượng. Bên cạnh đó chưa có công thức nào để tính từ hàm lượng quy ra trọng lượng, hơn nữa do điều kiện, phương tiện, máy móc còn hạn chế. 
Thực tế cho thấy ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý có trọng lượng từ 0,1 đến 0,5g đã trưng cầu giám định có thành phần heroin nhưng không giám định được hàm lượng vì vậy đã không khởi tố vụ án hình sự mà trả tự do cho người bị tạm giữ. Trong giai đoạn truy tố có nhiều vụ án cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố trước thời điểm có Công văn số 234 của Tòa án nhân dân tối cao đa số mới chỉ giám định loại ma tuý, chưa giám định hàm lượng, Viện Kiểm sát đã lập cáo trạng nhưng Toà án không nhận hồ sơ, phải tạm đình chỉ điều tra. Đến giai đoạn xét xử thì Toà án lại trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định hàm lượng, như vậy giữa các cơ quan tố tụng có những quan điểm khác nhau. Sau khi Thông tư 08, thông tư liên tịch có hiệu lực thì thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng, công an, kiểm sát và tòa án chưa có sự thống nhất về quan điểm để áp dụng.
Từ những phân tích nêu trên, để đảm bảo phù hợp và thống nhất áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án ma túy, tôi đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là không quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy trong trường hợp phạm tội có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đồng thời chỉ quy định rõ trong Bộ luật hình sự về tính hàm lượng để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy đối với các trường hợp cụ thể như sau: Một, chất ma túy tiền chất dùng vào việc sử dụng ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; Hai, chất ma túy tiền chất dùng vào việc sản xuất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; Ba, sái thuốc phiện; Bốn, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần. 
Xin hết ý kiến.