DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Bài phát biểu của ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh tại buổi thảo luận tổ ngày 24/3/2016

25/03/2016 00:00
Sáng ngày 24/3, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại các Tổ đại biểu với 02 nội dung:
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại tổ

 - Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020;

- Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 – 2020.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu:

          Kính thưa chủ tọa, thưa các vị đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận!

          Vấn đề thứ nhất, Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Tuy nhiên, tôi thấy Báo cáo chưa đánh giá hết một số vấn đề, ví dụ như hiện tượng xâm mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long, vấn đề thiếu nước ngọt để sinh hoạt của bà con nhân dân. Chúng ta rất lo lắng về nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt và đề ra các giải pháp để ứng phó, tuy nhiên đại biểu Quốc hội và cử tri rất băn khoăn với vấn đề dự báo tình hình, ví dụ, gạo lên giá hàng ngày mà chưa có giải pháp gì; vấn đề cầu cứu Trung quốc xả nước đầu nguồn, đây là thể hiện sự bị động. Việc chỉ đạo phải có nước cho người dân uống, tôi thấy nếu không chỉ đạo thì người dân vẫn phải tự tìm nước để uống vì đây là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, vấn đề này trong Báo cáo không nêu rõ.

          Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi thấy chúng ta đã ký kết nhiều Hiệp định và phải cam kết thực hiện mà với tình hình này thì doanh nghiệp nước ta có nguy cơ sẽ thua trên sân nhà. Trước tình hình đó, giải pháp của Chính phủ là gì?

          Vấn đề việc doanh nghiệp nước ngoài thu gom đất và mua lại các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam . Tôi thấy, việc doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp bán lẻ như hiện nay thì dẫn đến họ sẽ thao túng thị trường bán lẻ. Trước tình hình đó nhưng không thấy giải pháp của Chính phủ nêu trong Báo cáo. Trước đây ngành giày da trong nước lệ thuộc nguồn nguyên liệu, nay lại lệ thuộc thị trường, như vậy ta chỉ là chỗ kiếm tiền của họ. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đối với vấn đề này.

          Vấn đề thứ hai, về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 – 2020. Tôi thấy, thường thì chúng ta đã ban hành quy hoạch sử dụng đất, nhưng việc thực hiện chưa đúng là do cái gì? Do cơ chế chính sách pháp luật hay do quản lý, hay do lý do khác? Tôi cho rằng, việc mở rộng sản xuất gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu sử dụng đất sẽ giảm.

          Việc quy hoạch sử dụng đất cơ bản tôi đồng tình với Báo cáo. Tuy nhiên cần có quy hoạch mở, ví dụ như quy hoạch đất đồng bằng sông Cửu Long không chỉ quy hoạch chỉ là đất trồng lúa, nay mai tình trạng xâm mặn không khắc phục được thì có tiếp tục trồng lúa nữa được không?; quy hoạch rừng cũng tương tự như vậy, rừng cũng như nguồn sinh thủy do biến đổi khí hậu thì có tiếp tục trồng rừng thông thường nữa được không?; quy hoạch vùng trồng dưa nhưng chẳng có ai mua dưa, quy hoạch vùng trồng vải chẳng có ai mua vải... Do vậy, đề nghị Chính phủ phải nâng cao tính dự tính, dự báo và có tầm nhìn xa hơn đối với việc lập quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới, cụ thể:

          - Đề nghị rà soát lại kết quả sử dụng đất đến cấp huyện để xem việc sử dụng đất có phù hợp với quy hoạch hay không và diều chỉnh quy hoạch có phù hợp thực tế hay không, vì trên thực tế khi điều chỉnh quy hoạch thì địa phương thường để lại một số diện tích đất ngoài quy hoạch. Do vậy, quy hoạch sử dụng đất phải gắn với quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng.

          - Đề nghị Chính phủ phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bất động sản, có những doanh nghiệp lấy hàng chuc, hàng trăm hecta đất mà chỉ sử dụng một phần với diện tích nhỏ như vậy có gây lãng phí đất hay không? Do vậy việc kinh doanh bất động sản phải được quan tâm và quản lý chặt chẽ.

          - Đề nghị Chính phủ quy hoạch sử dụng đất phải đánh giá được tác động biến đổi môi trường để quy hoạch đúng, quy hoạch trúng. Đồng thời, phải có quy hoạch sử dụng đất cho các công trình văn hóa, đất cho nghĩa địa.

          - Đề nghị rà soát và quản lý chặt chẽ đất rừng đặc dụng để đảm bảo môi trường sống được trong lành.                     

          Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe./.