Kính thưa chủ tọa, thưa các vị đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận!
Tôi xin đóng góp ý kiến vào Báo cáo trung tâm là Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tôi đồng tình và đánh giá cao với nội dung của Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó đã đề cập đến các mặt hoạt động, Báo cáo đã nêu ra được những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế yếu kém, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, trách nhiệm của Quốc hội với tinh thần cầu thị, thẳng thắn. Về công tác xây dựng luật, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ, với tổng số 107 luật được thông qua trong nhiệm kỳ được coi là một số lượng lớn và chất lượng được nâng cao rõ rệt, trong đó có Hiến pháp năm 2013; về công tác giám sát, đã được đổi mới phương thức của hoạt động này, tại kỳ họp thứ Mười không những Quốc hội chất vấn Thủ tướng, các thành viên của Chính phủ mà còn chất vấn cả Chủ tịch Quốc hội…
Tuy nhiên, trong phần hạn chế, yếu kém của Dự thảo Báo cáo, tôi thấy có một số vấn đề cần nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung, đó là:
- Vấn đề hoạch định chính sách, công tác dự tính, dự báo chưa đáp ứng thực tiễn cuộc sống, ví dụ, một số Luật mới thông quan chưa có hiệu lực đã phải sửa, việc BOT một số tuyến đường Quốc lộ dẫn đến người tham gia giao thông phải đóng phí cao, chủ trương thì đúng nhưng cách làm chưa được người dân đồng tình nhưng vẫn phải chấp hành…Bất cập như vậy là do việc hoạch định chính sách chưa sát thực tế, tôi cho rằng, việc hoạch định chính sách cần phải đồng bộ và có tính dự tính, dự báo cao.
- Về kiểm soát và cân đối ngân sách Nhà nước, tôi thấy trong thời gian qua tính kiểm soát đối với ngân sách Nhà nước chưa cao, ngân sách Nhà nước vẫn bất cân đối. Đặc biệt nợ công vẫn ở mức cao và chưa có giải pháp để hạ nợ công. Để dẫn đến tình trạng như vậy, trong đó có trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội khi bấm nút đồng ý. Cần nêu cao trách nhiệm của Quốc hội khi Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trình các Dự án Luật, hay là chỉ do Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trình mà đại biểu Quốc hội ấn nút “OK” để rồi dẫn đến những bất cập trong thực tế. Do vậy, mỗi đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, cân nhắc và nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với nhân dân, cử tri của mình.
- Tình trạng đói nghèo và chênh lệch thu nhập trong xã hội vẫn tồn tại, bên canh những “đại gia” nhiều tiền, lắm của là cuộc sống cùng cực của người dân đồng bào thiểu số, của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, những người dân đang hàng ngày phải sử dụng nước sinh hoạt không lấy gì làm sạch. Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ người dân nhưng có một số chính sách đã ban hành nhưng không thực hiện được do thiếu nguồn lực.
- Về một số bài học kinh nghiệm trong Dự thảo Báo cáo, tôi cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, cách điều hành các phiên họp cần hợp lý và khoa học hơn, nếu một phiên họp thảo luận về một vấn đề mà chưa xong thì cần kéo dài thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận. Tôi lấy ví dụ, một số đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng không được phát biểu vì không còn thời gian; Chủ tịch quốc hội điều hành thay người chủ trì hoặc cắt ngang lời người chủ trì... Tôi thấy đề nghị cần phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm để đảm bảo tính dân chủ và tính công khai, minh bạch.
- Về vai trò của các cơ quan của Quốc hội, tôi thấy rằng vai trò của các Ủy ban của Quốc hội là rất quan trọng vì các Ủy ban có vai trò thẩm tra các tờ trình, các báo cáo, các dự thảo Luật. Tôi cho rằng các cơ quan của Quốc hội phải hoạt động mang tính chuyên môn cao hơn nữa, đây cũng là bài học kinh nghiệm đối với công tác tổ chức.
- Về hoạt động và vai trò của các cơ quan truyền thông, tôi thấy đây là nơi tuyên truyền, đăng tải các hoạt động của đại biểu Quốc hội, của Quốc hội do vậy cần được quan tâm. Tôi đề nghị cần đưa vấn đề này vào Báo cáo.
Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe./.