Về chỉ tiêu độ che phủ rừng
Ngày 01/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-UBND, về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Hòa Bình năm 2022. Trong đó, diện tích rừng toàn tỉnh là 237.299,32 ha (gồm cả rừng trong và ngoài quy hoạch lâm nghiệp), bao gồm: 141.614,03 ha rừng tự nhiên; 95.685,29 ha rừng trồng; độ che phủ rừng là 51,69% vượt so với chỉ tiêu đặt ra là trên 50%.
Về chỉ tiêu diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và diện tích chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ kinh doanh rừng gỗ lớn
Từ khi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TU (năm 2020 đến năm 2022) toàn tỉnh trồng được 21.470,1 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng được 7.156,7 ha (năm 2020: 6.285,06 ha; năm 2021: 7.189,72 ha; năm 2022: 7.995,32 ha), trong đó trên 95% (20.397,45 ha) rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận; diện tích này có điều kiện quan trọng tiên quyết để trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tính đến thời điểm hiện tại đạt 68% so với chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn đến năm 2025 của Nghị quyết số 27-NQ/TU.
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, diện tích rừng sản xuất là rừng trồng 78.531,69 ha (không bao gồm diện tích rừng trồng năm từ 2020 đến 2022 do chưa đủ tiêu trí thành rừng), trong đó: Rừng trồng đã chuyển hóa thành rừng gỗ lớn 10.019 ha (diện tích rừng từ 8 năm tuổi trở lên, có đường kính và chiều dài đảm bảo quy định là gỗ lớn theo tiêu chuẩn Việt Nam). Tính đến thời điểm hiện tại đạt 67% chỉ tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TU đến năm 2025.
Mặt khác, có 68.512 ha rừng trồng (từ tuổi 3 - tuổi 7), gồm: 54.810 ha (chiếm 80%) rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận, đây là diện tích rừng có tiềm năng để áp dụng kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng và các biện pháp kỹ thuật, thâm canh sẽ trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trong tương lai; còn lại 13.702 ha (chiếm 20%) rừng trồng do người dân tự sản xuất giống hoặc mua giống trôi nổi từ các tỉnh lân cận, không rõ nguồn gốc, thực hiện biện pháp trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Hiện tượng khai thác rừng non cũng được giảm dần qua các năm.
Đạt được kết quả trên là do từ khi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TU các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân và các chủ rừng sử dụng giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng đưa vào trồng rừng, đồng thời áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nuôi dưỡng tỉa thưa rừng.
Về chỉ tiêu diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)
Để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chú động liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Các sở, ngành của tỉnh cùng các huyện, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC, đến nay toàn tỉnh có khoảng trên 16.000 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC tập trung tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty BVN Hòa Bình. So sánh với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững), đạt được 53%; đồng thời Công ty BVN Hòa Bình đang triển khai mở rộng diện tích có chứng chỉ FSC sang các huyện khác trên địa bàn tỉnh.
Về chỉ tiêu đánh giá, so sánh năng suất, sản lượng rừng trồng; thu nhập bình quân/ha rừng
Từ khi Nghị quyết số 27-NQ/TU được ban hành và tổ chức thực hiện, nhận thức của chính quyền cơ sở và của Nhân dân về phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh rừng trồng gỗ lớn có sự chuyển biến tích cực, một số huyện, thành phố đã sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, đã lan tỏa, nhân rộng trong Nhân dân như: Mô hình trồng cây Tông dù ở huyện Mai Châu; mô hình trồng Keo tai tượng Úc ở huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc...
Đối với rừng trồng gỗ lớn (từ 1-3 năm tuổi) cây trồng sinh trưởng tốt, do thời gian ngắn chưa có trữ lượng, chưa đủ tiêu chí thành rừng nên chưa đủ cơ sở để đánh giá về năng suất và thu nhập từ rừng. Tuy nhiên, theo báo cáo tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh rừng gỗ lớn chu kỳ 10 - 12 năm, sản lượng đạt 150 -200m3/ha cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu về cao hơn nhiều rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ.
Đối với chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, theo thống kê năng suất rừng trồng từ năm 2020 trở về trước bình quân đạt 12 m3/ha/năm, đến năm 2022 bình quân đạt 16 m3/ha/năm, tăng 4 m3/ha/năm, sản lượng gỗ bình quân năm 2022 là 80 m3/ha/chu kỳ 5 năm; giá trị thu được bình quân trên 1 ha tăng 1,33 lần so với năm 2020. Từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vươn lên làm giàu từ kinh doanh rừng gỗ lớn, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa của tỉnh có đời sống thu nhập còn nhiều khó khăn.
Về chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản
Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 là 9,37% và tăng lên 11,11% năm 2022 (tăng 1,74%). Mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TU là đến năm 2025 đóng góp 16% và đến năm 2030 đóng góp 20% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản./.