
Hội nghị đánh giá về 2 vấn đề lớn của Ngành NNPTNT trong giai đoạn vừa qua đó là việc phát triển sản xuất vụ Đông và 5 năm thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các địa phương có thêm cơ hội trong hợp tác, phát triển sản xuất vụ Đông nói riêng; hợp tác phát triển, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung.
Những năm gần đây, sản xuất vụ Đông của tỉnh đã có những bước chuyển quan trọng. Nhiều địa phương đã chú trọng đến chủng loại sản phẩm, đưa những loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; có định hướng rõ ràng về thời vụ, cơ cấu giống, đặc biệt đã có những hợp đồng, thỏa thuận hợp tác phát triển cây vụ Đông, đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm.
Giai đoạn 2020 - 2022, công tác chỉ đạo sản xuất và chuẩn bị vật tư được thực hiện sớm. Gieo trồng vụ đông qua các năm có xu hướng tăng nhẹ và ổn định diện tích khoảng 9.200 ha. Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 9,48 nghìn ha, tập trung vào một số cây chủ yếu: ngô khoảng 4 nghìn ha; khoai lang khoảng 1,17 nghìn ha; rau, đậu các loại 3,8 nghìn ha; tiếp tục duy trì từ 2.000 ha đến 2.500 ha diện tích cây lúa. Tăng cường kết nối, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua kết quả khảo sát, tổng diện tích bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2023 đạt trên 261 ha; sản phẩm mía ăn tươi với sản lượng dự kiến 380.000 tấn….
Về việc thực hiện chính sách khuyến khích, hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 năm 2018 của Chính phủ: Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Hòa Bình triển khai 8 dự án liên kết, trong đó 6 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện được nghiệm thu và giải ngân với tổng nguồn vốn trên 6,7 tỷ đồng. Hầu hết các chuỗi đều duy trì và phát triển khá tốt, mở rộng công suất, thị trường tiêu thụ.
Nhằm thúc đẩy sản xuất vụ đông và kết nối tiêu thụ nông sản, tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến về các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp; tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; xây dựng và đảm bảo kế hoạch xuất khẩu nông sản chủ lực...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chuỗi liên kết cho giai đoạn 2023-2025. Các Sở, Ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để hỗ trợ các Chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các chuỗi liên kết. Căn cứ vào kết quả thu hoạch lúa vụ mùa năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương xác định cơ cấu giống phù hợp, điều tiết nước, đảm bảo cho sản xuất vụ Đông và trồng màu cho vụ Xuân 2024 thắng lợi.
Cũng tại hội nghị các đơn vị, Doanh nghiệp, HTX và người dân đã ký kết, thoả thuận hợp tác trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương./.