
Theo báo cáo của BCĐ, kế hoạch vốn giao đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 02 năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh là trên 447 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 442,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là trên 4,6 tỷ đồng. Đến nay chương trình đã giải ngân được trên 64 tỷ đồng đạt 14,3% tổng kế hoạch giao. Từ nguồn vốn đã thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi…
Tổng kế hoạch vốn giao đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 02 năm 2022 - 2023 là trên 1.200 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được trên 71 tỷ đồng đạt 5,76% tổng kế hoạch vốn giao.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn được giao trong 03 năm 2021, 2022, 2023 là trên 503 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 7,03%. Đến hết quý I/2023 toàn tỉnh có 73/129 xã chiếm 56,6%. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP. Hiện nay việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp nhiều khó khăn: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ xây dựng công trình của các sở ngành, UBND các huyện, thành phố còn chậm. Việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dụng của chương trình ở cơ sở còn chậm, công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế. Năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chương trình tại 1 số địa phương còn hạn chế dẫn tới việc giải ngân nguồn vốn thấp. Nguồn lực chủ yếu của các chương trình là nguồn lực công, chủ đạo của ngân sách Trung ương nên việc huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ địa phương còn gặp nhiều khó khăn do tỉnh có tỷ lệ ngân sách nguồn thu thấp tác động đến sự chủ động của địa phương.Việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ của dự án thuộc chương trình.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành phê duyệt các dự án còn lại làm cơ sở phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 thực hiện các chương trình MTQG (đợt 2) theo thẩm quyền. Các huyện, thành phố chưa thực hiện phân bổ vốn phải đôn đốc thực hiện phân bổ vốn cho kịp tiến độ, kế hoạch. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân vốn ĐTC; rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong hai năm 2022, 2023, lập kế hoạch giải ngân phù hợp với tiến độ thực hiện của các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình. UBND các huyện, thành phố chủ động cân đối ngân sách cấp huyện để đối ứng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ kế hoạch năm 2022; đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện các dự án thuộc chương trình đảm bảo theo quy định. Liên quan tới vấn đề đất rừng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Đối với quy hoạch cây dược liệu, giao UBND huyện Đà Bắc xem xét, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện dự án. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình; kịp thời hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình./.