DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tình hình thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tháng 7/2024

25/07/2024 16:30
Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2024, toàn tỉnh xảy ra 3 đợt nắng nóng và 3 đợt mưa lớn, mưa dông, lốc sét. Nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh đạt từ 29 - 29,7 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,4 độ C. Có thời điểm nhiệt độ cao nhất là 39,6 độ C, nhiệt độ thấp nhất 23,6 độ C.
Lực lượng chức năng phối hợp với người dân khắc phục hậu quả sau mưa lớn.

Các đợt mưa giông, lốc, sét kèm gió giật mạnh những ngày qua đã làm chết 1 người; hư hại 54 nhà; ngập 2 điểm trường; thiệt hại trên 361ha hoa màu; 24 con gia súc; 1 lồng cá; 981m điểm giao thông bị hư hỏng. Cụ thể, đường tỉnh 433 tại Km5+800 Sạt lở đất, đá ta luy dương chảy ra mặt đường khối lượng khoảng 80m3; đường tỉnh 439 tại Km16+350 mặt đường đẩy trồi lún. Đường huyện tại huyện Lạc Sơn đường đi lên xóm Thung xã Quý Hòa bị nước trên đồi chảy xiết làm gãy, sụt lún đường bê tông khoảng 30m và vùi lấp 1 cống thoát nước và làm ảnh hưởng 1 ngầm. Huyện Mai Châu tuyến đường ĐH65 Sạt lở đá ta luy dương xuống nền đường tại lý trình km15+400, khoảng 5m3 gây tắc giao thông; tại lý trình km14+300; Tuyến đường Cun Pheo - Táu Nà: Sạt lở ta luy dương xuống nền đường tại lý trình km 0+850, khoảng 40m3 và lý trình 4+980, khoảng 60m3 không gây tắc đường. Huyện Tân Lạc đường bê tông xóm Cá xã Quyết Chiến bị sạt, trôi dài 5m; sạt lở đất taly dương khoảng 100m3; Thị trấn Mãn Đức, thiệt hại đường bê tông bị hư hỏng, sạt lở ta ly âm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh đã ban hành Công điện chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh ban hành Công điện về đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình; Công văn về chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh và các văn bản ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Các sở, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/7 đến 18/7/2024 nhằm kịp thời đưa ra những biện pháp phòng tránh sát lở và khắc phục hậu quả sau mưa lớn. UBND tỉnh về tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án để ứng phó, khắc phục cấp bách tại một số dự án, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, như: Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Bưởi, thị trấn Vụ Bản; Kè chống sạt lở suối Yên Điềm, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn; công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Đà, phường Trung Minh, thành phố Hoà Bình,…

Các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong việc tổng hợp thiệt hại, tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực địa ở những khu vực bị thiệt hại nặng. Kịp thời các phương án ứng phó, khắc phục đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lớn; đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai. Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đơn vị thi công trên đường đang khai thác huy động máy móc, thiết bị, nhân lực cắm biển cảnh báo, rào chắn, hót dọn, đảm bảo giao thông, vị trí mặt đường, ngầm, cầu ngập sâu đã rào chắn 2 đầu, không cho phương tiện qua lại. Cơ quan chức năng tiếp tục cử người trực ban và tổ chức kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ được giao quản lý để kịp thời đánh giá, khắc phục hậu thiên tai nhằm mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Đối với các dự án sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách Trung ương cho công tác phòng chống thiên tai, như: Hồ thuỷ lợi Xôm, xã Vân Sơn; khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến và đoạn cầu Hoà Bình 3, thành phố Hoà Bình; dự án Di dân tái định cư khu dân cư xóm Hổ 2, xã Yên Nghiệp. Hiện các dự án đang thi công, khối lượng đạt từ 50% - 97%. Các đơn vị chức năng đang tích cực chỉ đạo chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, khẩn trương hoàn thành dứt điểm từng hạng mục, các điểm xung yếu. Cùng với đó, đơn vị yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ trình và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra./.