DetailController

Quốc phòng - An ninh

Quan tâm đầu tư mua sắm các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết phục vụ triển khai Đề án 06/CP hiệu quả trên địa bàn tỉnh

10/03/2023 15:15
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó có nội dung yêu cầu các địa phương bố trí kinh phí để triển khai Đề án 06 đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai đầu tư, trang cấp các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo thực hiện Đề án 06/CP thuộc lĩnh vực phụ trách theo tiến độ được giao. Cụ thể trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư các hạng mục như: Thuê dịch vụ công nghệ thông tin Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hòa Bình. Nâng cấp nền tảng dịch vụ tích hợp và chia sẻ dùng chung tỉnh Hòa Bình (LGSP). Mua sắm bản quyền phần mềm Audit Vault and Database Firewall (bản quyền vĩnh viễn + duy trì hàng năm). Cải tạo, nâng cấp mạng LAN tại một số đơn vị. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin số hóa tạp lập cơ sở dữ liệu quản lý hành chính. Xây dựng ứng dụng các phần mềm chuyên ngành. Đầu tư cơ sở hạ tầng các phần mềm chuyên ngành. Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Mua sắm các thiết bị để phục vụ số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Về bố trí kinh phí, năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí hơn 8,5 tỷ đồng đầu tư các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06/CP.

Bên cạnh đó, thực hiện Công văn số 3914/CV-TCTTKĐA ngày 17/6/2022 của Tổ công tác triển khai đề án 06/CP về việc rà soát, đề xuất kinh phí theo quy chuẩn 1.0 và đề xuất nhu cầu kinh phí triển khai Đề án 06/CP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1059/UBND-NVK ngày 27/6/2022 về việc rà soát, đề xuất kinh phí theo quy chuẩn 1.0 và đề xuất nhu cầu kinh phí triển khai Đề án 06/CP. Trong đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai Đề án 06/CP tổ chức rà soát, đề xuất nội dung, nhu cầu kinh phí thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 1552/BTTTT-THH và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an tại Công văn số 3914/CV-TCTTKĐA. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 1121/UBND-NVK ngày 01/7/2022 về đề xuất kinh phí đầu tư hạ tầng theo quy chuẩn 1.0 và đề xuất nhu cầu kinh phí triển khai Đề án 06/CP trong giai đoạn 2022-2025 gửi Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình chưa được lựa chọn để bố trí cấp, hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, tỉnh Hòa Bình gặp một số khó khăn, vướng mắc như nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống thông tin phục vụ triển khai Đề án còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ cho chuyển đổi số. Từ đó, tỉnh Hòa Bình đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính, Tổ Công tác Đề án 06/CP của Chính phủ có phương án hỗ trợ kinh phí đầu tư cho tỉnh phục vụ nâng cấp các chức năng, tính năng kỹ thuật, đầu tư mua sắm các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết phục vụ triển khai Đề án 06/CP hiệu quả trên địa bàn tỉnh./.