DetailController

Quốc phòng - An ninh

Kết quả triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

28/11/2022 00:00
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 18/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2022 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và giao chi tiết cho các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố triển khai thực hiện.
Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 10 dự án trong khu công nghiệp, 10 dự án trong cụm công nghiệp và 55 dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp 

Trong đó gồm: 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm, chủ yếu năm 2022; 54 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; 153 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành lĩnh vực; kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); kế hoạch triển khai 06 dự án đầu tư công và 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách trọng điểm khởi công trong năm 2022 của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, ngay trong tháng 01/2022, Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND và đang tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng kế hoạch và chương trình được xây dựng.

Trong đó công tác phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục, luôn bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đấy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Ngành trồng trọt tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng phát triển các sản phẩm lợi thế, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117 nghìn ha, diện tích cây lương thực có hạt đạt 71 nghìn ha, sản lượng đạt 36,6 vạn tấn; có trên 9,687 nghìn ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích kinh doanh đạt 7,429 nghìn ha. Trong năm có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 71 xã (bằng 55% tổng số xã); trung bình 1 xã đạt 16 tiêu chí/xã; có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 41.626 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước...

Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng, bằng 164% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách địa phương ước đạt 17.378 tỷ đồng, bằng 143% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 119% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Ước đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 465 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới bằng 100,9%, số vốn đăng ký bằng 65%; 150 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 230 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể; 250 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đối khí hậu, tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh hiện có 309 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt 59,54%; trong đó giáo dục mầm non đạt 63,06%; cấp tiểu học đạt 71,4%; cấp THCS đạt 62,16%; cấp THPT đạt 21,3%. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên; thực hiện tiếp nhận đầy đủ vắc xin, vật tư và cấp phát cho các địa phương theo kế hoạch; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 08 loại vắc xin cả năm ước đạt trên 95%. Giải quyết việc làm,  thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Năm 2022, ước có 16.400 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động được 300 người, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,99%, giảm 2,5% so với năm 2021. Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai theo kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc tiếp tục được thực hiện tốt. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tăng cường.

Tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các huyện, thành phố cơ bản ổn định. Tiếp tục triển khai sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Thường xuyên nắm tình hình, đảm bảo an ninh tại các vùng dân tộc, tôn giáo và quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến công tác phòng, chống phản động, an ninh trật tự, không để xảy ra “điểm nóng”.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, lao động và sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng cụm công nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc thu hút các dự án vào hoạt động sản xuất trong cụm còn chậm. Môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng chưa có nhiều chuyển biến cũng như đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT còn tăng chậm. Tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Một số loại tội phạm nhất là các tội phạm về trật tự xã hội, ma túy, tệ nạn cờ bạc còn phức tạp tại một số địa bàn.../.