Trong công tác tuyên truyền, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức, biện pháp (như: thông qua các hội nghị, chương trình tập huấn, chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình giáo dục các cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…) với nội dung phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, đối tượng; tập trung tuyên truyền tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật; giúp người dân nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người. Điển hình: Ban Dân tộc tỉnh phát huy vai trò của trên 1.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người...Các cấp hội Nông dân tỉnh tuyên truyền, phổ biến cho trên 20.000 lượt hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, đăng tải 3.635 lượt tin, bài có nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xây dựng, kẻ vẽ 350 băng rôn, áp phích, tranh cổ động. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức 07 buổi tuyên truyền đến 1.550 lượt người với nội dung trọng tâm là phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống mua bán người và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động hội phụ nữ; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, cách nhận biết, biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người…
Các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng chú trọng gắn kết việc triển khai công tác phòng, ngừa tội phạm mua bán người với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Các lực lượng chức năng của tỉnh làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình tội phạm mua bán người và các đối tượng có liên quan, quản lý, theo dõi các đối tượng cấm nhập, cấp xuất trên địa bàn, tình hình công dân trên địa bàn đi làm ăn ở nước ngoài về địa phương; tình hình hoạt động của các trung tâm môi giới việc làm, xuất khẩu lao động để phòng ngừa hoạt động tổ chức xuất cảnh hợp pháp và trốn ở lại nước ngoài; rà soát công tác quản lý liên quan đến cho, nhận con nuôi và mang thai vì mục đích nhân đạo; nghiên cứu quy luật, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh...Chỉ đạo triển khai các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý nhân, hộ khẩu; quản lý người nước ngoài, quản lý giáo dục các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến mua bán người và quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện (như các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí…) dễ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để hoạt động phạm tội. Từ ngày 01/7/2024 đến ngày 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình không phát hiện tội phạm mua bán người; không tiếp nhận trường hợp nào là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và của Tỉnh ủy Hoà Bình liên quan đến phòng, chống mua bán người, trọng tâm là: Quyết định số 193/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 09/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình mới…; gắn với thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có phòng, chống tội phạm mua bán người. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024 (từ ngày 01/7/2024 đến ngày 30/9/2024); lồng ghép thực hiện nội dung phòng, chống mua bán người với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức, với nội dung phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng và đối tượng người dưới 16 tuổi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài… góp phần phòng ngừa tội phạm mua bán người. Nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người gắn với việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề công tác về phòng, chống tội phạm; nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng liên quan, chủ động triển khai các biện pháp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm mua bán người. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng, trú trọng nạn nhân là trẻ em; huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các nạn nhân (hỗ trợ vốn, tạo việc làm…), không để họ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội hoặc tiếp tục bị mua bán. Duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng./.