DetailController

Quốc phòng - An ninh

Kết quả 6 tháng thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”

08/03/2024 16:30
Trong 6 tháng triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg, ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay đã không còn diễn ra như thời gian trước đây; hoạt động cho vay lãi nặng, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ không còn công khai, manh động, không có băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 43 cơ sở, 66 người làm nghề được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tập trung nhiều các cơ sở chủ yếu là TP. Hòa Bình: 17 cơ sở, huyện Lương Sơn: 07 cơ sở, huyện Tân Lạc: 06 cơ sở; huyện Lạc Sơn, Cao Phong mỗi huyện 05 cơ sở, huyện Lạc Thủy: 02 cở sở, huyện Đà Bắc: 01 cơ sở. (so với thời điểm trước ngày 15/9/2023 giảm 05 cơ sở). 43 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ cầm đồ. Tổng số cơ sở kinh doanh doanh tài chính (loại hình treo biển kinh doanh; mua bán, cho thuê xe, tư vấn tài chính, hỗ trợ trả góp): 03 cơ sở.

          Trong 6 tháng qua, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”; 100% tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” đều được tiếp nhận, xử lý đúng quy định; khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra, xử lý. Trong kỳ phát hiện, xử lý 36 vụ: bắt giữ khởi tố 32 vụ, 36 bị can; Xử lý hành chính 04 vụ, 05 đối tượng. Hình thức triệt phá: 08 vụ từ công tác Sưu tra; 05 vụ từ công tác Hiềm nghi; 01 vụ đối tượng tỉnh ngoài, 36 bị can khởi tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” vẫn tiềm ẩn phức tạp; các đối tượng hoạt động thay đổi phương thức, thủ đoạn, sử dụng công nghệ cao, cho vay trực tuyến (qua các trang web, app vay tiền, zalo, facebook, tin nhắn điện thoại…), vay ngang hàng (P2P Lending) biến tướng; nhắn tin đe dọa, ném chất bẩn vào nhà, sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người vay vẫn xảy ra. Các đối tượng khi thực hiện hợp đồng vay tiền không ghi lãi suất mà ghi thành các loại phí, tiền phạt…

Thời gian tới, tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính tăng cao, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ phức tạp theo quy luật hằng năm, đồng thời phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ “tín dụng đen”, vay mượn dân sự. các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nếu không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời sẽ dễ xảy ra các vụ án có hậu quả rất nghiêm trọng hoặc phát sinh các hành vi đòi nợ trái pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Trước sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an, các đối tượng sẽ tiếp tục có những đối phó, thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu  các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 04/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, các phương thức vay vốn tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng (trong đó có cho vay trực tuyến, cho vay tín chấp trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư…); phương thức, thủ đoạn hoạt động và những hậu quả của hoạt động “tín dụng đen” để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các mô hình, tổ chức quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tội phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân liên quan đến vay nợ, không để phát sinh tội phạm…

Tăng cường rà soát, nắm chắc tình hình, nhất là tại khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, khu vực đông công nhân, lao động, trường học và trên không gian mạng để tuyên truyền, phòng ngừa, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, không để diễn biến phức tạp, bức xúc trong dư luận xã hội và quần chúng nhân dân. Phối hợp Liên đoàn lao động tỉnh nắm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị về hoạt động “tín dụng đen” liên quan đến công nhân, lao động, doanh nghiệp.Phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, văn phòng, công ty tư vấn luật núp bóng đòi nợ thuê, doanh nghiệp, trung gian thanh toán, ví điện tử trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi có liên quan đến “tín dụng đen”.

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Rà soát, lên danh sách các đối tượng, băng nhóm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên từng địa bàn để tập trung quản lý, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; rà soát các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đối tượng truy nã, đối tượng đầu vụ đang bỏ trốn có liên quan “tín dụng đen” để thu thập tài liệu, chứng cứ phục hồi giải quyết. Khởi tố, điều tra xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi đòi nợ trái pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ các chuyên án, vụ án đang điều tra; đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cùng cấp đưa ra xét xử nghiêm theo quy định./.