Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh hơn; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chú trọng, đã xây dựng củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; hệ thống chính trị cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhiều giải pháp có hiệu quả; chủ động phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong thực hiện các giải pháp đã đề ra. Công tác đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được đẩy mạnh; đạt được kết quả nhất định, đã phát hiện bắt giữ, xử lý được nhiều đối tượng có hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, góp phần kiềm chế, kéo giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn. Công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường; làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay đã giảm đáng kể; hoạt động cho vay lãi nặng, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ, ném chất bẩn không còn công khai, manh động so với trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg.
Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức rà soát các điểm có biểu hiện hoạt động liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt là với hoạt động cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại di động (APP), vay ngang hàng trái pháp luật; tiến hành xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; gắn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Đặc biệt, đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Ngoài ra, chủ động phối hợp hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương khác trong phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” . Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”. Tiếp nhận, giải quyết 100% tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phát hiện, triệt phá 65 vụ, 89 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, khởi tố 56 vụ, 74 bị can; xử lý hành chính 09 vụ, 15 đối tượng về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố 33 vụ, 51 bị can; xử lý hành chính 04 vụ, 05 đối tượng). Ngoài ra, tiến hành khởi tố 01 vụ Bắt giữ người trái pháp luật; 06 vụ, 08 bị can về tội Cưỡng đoạt tài sản; 02 vụ, 02 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 01 vụ, 01 bị can về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Hiện đang thụ lý, điều tra 06 vụ, 08 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hòa Bình đã truy tố 37 vụ, 54 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hòa Bình đã thụ lý 21 vụ, 30 bị cáo về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; trong đó, đã xét xử 15 vụ, 21 bị cáo và đang giải quyết 06 vụ, 09 bị cáo.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động, đối phó tinh vi. Xu hướng đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để hoạt động, triệt để lợi dụng các vướng mắc, sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; các đối tượng lập các trang Web, APP để hoạt động cho vay, điều hành hoạt động; sử dụng sim “rác”, tài khoản “ảo” để giải ngân, thu lãi, nhắc nợ, đòi nợ. Một số đối tượng còn trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vốn cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” núp bóng các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Tình trạng một số thanh niên không có việc làm ổn định, xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma tuý…) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp sẽ phải tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền… Tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, gắn với triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh uỷ Hoà Bình về phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng. Quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không tham gia, tiếp tay, bao che cho hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với đặc điểm địa bàn, đối tượng. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình và triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các ngành liên quan trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường công tác quản lý đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác liên ngành trong kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, tư vấn hỗ trợ tài chính, không để lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có yêu cầu./.