DetailController

Quốc phòng - An ninh

Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2020

19/05/2020 00:00
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều hoạt động để tạo sự lan tỏa trong xã hội. Trọng tâm là: tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các chiến dịch truyền thông trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng ngừa tội phạm mua bán người hiệu quả; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Huyện Lương Sơn tổ chức Nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em”

Theo kế hoạch, các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người sẽ được triển khai đến từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người như di cư trái phép ra nước ngoài, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, du lịch, đẻ thuê có tính chất thương mại…

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin internet chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng internet, viễn thông và mạng xã hội về việc tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác thông tin thực hiện việc mua bán người

Để tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán liên hệ với đường dây nóng phòng, chống mua bán người (qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý).

Các sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hoàn thiện pháp luật theo Kiến nghị số 1526/KN-UBTP14 (ngày 28/9/2018) của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về thực hiện pháp luật phòng, chống mua bán người. Rà soát, nghiên cứu sơ kết việc thực hiện các văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người nhất là liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, từng vùng, chú trọng tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ cao bị mua bán.

Lực lượng Công an phải nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, xác định đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người; tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm… kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; tập trung triệt xóa, bóc gỡ các đường dây mua bán người; khẩn trương kết thúc điều tra, đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới từ ngày 01/6 đến ngày 30/11/2020…/.