Tại Tổ đại biểu số 05, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu:
Nguyễn Tiến Sinh - Hoà Bình
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa Quốc hội,
Phát biểu cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ, trước hết cơ bản tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh và các quan điểm khi xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ. Lần sửa đổi lần này tương đối toàn diện ở hầu hết các chương, điều, sẽ tạo nên bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng vào danh sách của nhà nước trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và phân công nhiệm vụ chặt chẽ, phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước.
Việc tách Luật Giao thông đường bộ và xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nghiên cứu hồ sơ các dự án luật cho thấy, nội dung này đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng và đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia và cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý. Vì vậy, tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ, vì tôi thấy, việc này có lợi cho nhân dân và cho đất nước.
Về các nội dung liên quan tới dự thảo luật, tôi xin góp ý một số nội dung như sau:
Một là, về tên gọi luật, tôi đồng tình với ý kiến của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp về việc đề nghị Ban soạn thảo có thể nghiên cứu để sửa tên gọi của luật là Luật Đường bộ, nó cũng phù hợp với các luật khác như là Luật Đường sắt hay là Luật Đường thủy nội địa.
Hai là, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, tôi đề nghị bổ sung các hành vi can thiệp, tác động làm sai lệch các thông tin, mục đích của các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ba là, về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Điều 12. Thực tế hiện nay được quy định tản mát ở rất nhiều các quy định khác nhau như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và các luật khác. Tôi đề nghị sửa quy định thật chặt chẽ về quỹ đất giao thông đô thị, đặc biệt là giao thông tĩnh và quy định ít nhất ở mức tối thiểu là 20% trở lên và tỷ lệ quỹ đất của từng loại theo các quy định của pháp luật hiện hành. Ví dụ như, quy định của Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định rõ hơn nội dung này để đảm bảo làm sao đó chúng ta xây dựng được những đô thị vừa xanh, sạch, an toàn và đảm bảo mật độ.
Bốn là, về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Điều 20, tôi đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ sở hữu của cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đặc b4iệt có sự phân công, phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của các cấp chính quyền nhà nước trong việc đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Năm là, về đèn tín hiệu giao thông và biển báo được quy định tại Điều 23 và 24, tôi đề nghị nghiên cứu để bổ sung các thuyết minh, chỉ dẫn cần thiết để đảm bảo các đèn giao thông tín hiệu và biển báo giao thông dễ nhận biết và dễ thực hành.
Sáu là, về trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ, tại Điều 39 và Điều 49. Tôi đề nghị, làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu, của cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo sự an toàn cho công trình, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của công trình giao thông đường bộ gây ra đối với người tham gia giao thông, trách nhiệm và sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý khi có tai nạn giao thông xảy ra ở các công trình giao thông đường bộ.
Bảy là, về bảo trì công trình giao thông đường bộ, tại Điều 41. Tôi đề nghị bổ sung yêu cầu về sửa chữa, bảo trì công trình giao thông đường bộ phải đảm bảo nhanh chóng, liên tục và an toàn, đặc biệt đối với các công trình vừa sửa chữa, vừa tổ chức khai thác.
Tám là, về niên hạn sử dụng xe cơ giới, tại Điều 53. Tôi đề nghị, cân nhắc việc quy định về niên hạn của xe chở người 4 bánh là 15 năm. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không quy định về niên hạn của xe chở người 4 bánh, mà căn cứ vào các chất lượng kiểm định về kỹ thuật, an toàn giao thông cho phép lưu hành hay không lưu hành, đề nghị cân nhắc chỗ này.
Chín là, vấn đề về đăng kiểm xe cơ giới. Đề nghị làm rõ. Một là, về trách nhiệm của các cơ quan đăng kiểm khi phương tiện đã được qua đăng kiểm nhưng vẫn không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; hai là, chất lượng về đăng kiểm; ba là, các quy định của pháp luật đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc cấp phép đối với các trung tâm đăng kiểm. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.