Năm 2018, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và BCĐ 138/CP về phòng, chống tội phạm ngay từ những tháng đầu năm. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 82,32%; hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, môi trường được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt khởi tố, điều tra đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Công tác truyền thông phòng, chống tội phạm được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cả tần suất, thời lượng, nội dung, hình thức biện pháp tuyên truyền, tạo được lòng tin và sự tham gia tích cực của nhân dân.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 được BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017), thu nộp ngân sách nhà nước đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng (giảm 12%), khởi tố 1.979 vụ (tăng 21%), 2.339 đối tượng (tăng 10%). Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc được thực hiện kịp thời và thường xuyên hơn. Công tác phối hợp trao đổi, xử lý thông tin vụ việc giữa Văn phòng Thường trực với các BCĐ 389 Quốc gia các Bộ, ngành luôn kịp thời và hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả đấu tranh tội phạm, phòng chống gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều cố gắng nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế diễn ra. Tội phạm được kiềm chế nhưng tính chất, cường độ gia tăng. Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép còn diễn biến phức tạp. Vai trò chỉ đạo của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia của một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Năm 2019, BCĐ 138/CP đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phấn đấu giảm 3% số vụ phạm tội về hình sự so với năm 2018; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 90% trên tổng số án khởi tố; giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%. BCĐ 389 Quốc gia đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2018. Đồng thời đề xuất kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2018. Nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị: BCĐ 138/CP, BCĐ 389 Quốc gia cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị để từng bước đẩy lùi tội phạm, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 Quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu thương mại và hàng giả, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, "điểm nóng” về an ninh trật tự. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức./.