DetailController

Khoa học - Môi trường

Tình hình thiên tai và thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 đến ngày 08/9/2024

09/09/2024 09:39
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực trong tỉnh Hòa Bình có mưa lớn. Lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 450,8 mm.

Ngay sau khi có thông tin về bão số 3 xuất hiện trên biển, các cơ quan thường trực về công tác phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão số 3 có thể ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024 và nội dung cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì ngày 05/9/2024, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản, Công điện để chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương  khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, đảm bảo an toàn hạ du khi mở 02 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương có liên quan để sẵn sàng triển khai ứng phó khi bão đổ bộ.

Ngay sau cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3 ngày 06/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 6 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy làm trưởng đoàn, tham gia có các lãnh đạo sở, ban, ngành, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó với cơn bão số 3 tại các địa phương và trọng điểm phòng, chống thiên tai; qua kiểm tra, đôn đốc của các đoàn kiểm tra về cơ bản các đơn vị, địa phương đã triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trên địa bàn; các địa phương đã chủ động di chuyển người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai khi có mưa lũ xảy ra đến nơi an toàn.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tình hình thiệt hại do bão số 3 (từ ngày 06/9 đến ngày 15h ngày 08/9) như sau: Có 4 người chết và 1 người bị thương do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc. Hiện có 1.434 hộ đã sơ tán gồm: Thành phố Hòa Bình 239 hộ; Lương Sơn 45 hộ; Cao Phong 82 hộ; Tân Lạc 195 hộ; Mai Châu 57 hộ; Kim Bôi 112 hộ; Lạc Thủy 152 hộ; Yên Thủy 77 hộ; Lạc Sơn 125 hộ; Đà Bắc 350 hộ).

Toàn tỉnh có 445 hộ/nhà bị ảnh hưởng (tốc mái, cây đổ vào nhà, vỡ tấm lợp proximang, hư hỏng nhà, nứt tường nhà, sụt lún). Có 10 điểm trường bị ảnh hưởng.

Đối với nông nghiệp, tổng diện tích bị thiệt hại là 4193,2ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm. Trong đó: Thành phố Hòa Bình 263 ha; Lương Sơn 810,9 ha; Cao Phong 226 ha; Tân Lạc 302 ha; Mai Châu 78,2 ha; Kim Bôi 1013,3 ha; Lạc Thủy 400,3 ha; Yên Thủy 780 ha; Lạc Sơn 300,84 ha; Đà Bắc 18,7 ha. Huyện Lương Sơn thiệt hại 1.550 gia cầm; Lạc Thủy 2000 con gia cầm. Ngoài ra, các huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Đà Bắc thiệt hại về gia súc. Huyện Lương Sơn ngập 1 ao diện tích 0,1ha;  Cao Phong bị sập 1 nhà bè cá; Tân Lạc thiệt hại 6 lồng cá; Mai Châu 03 lồng cá; Kim Bôi ngập 1 ao cá; Lạc Sơn 10 ao cá; Đà Bắc 3 lồng cá và 2 ao cá.

Tại các địa phương, có 121 điểm bị sạt lở, sụt lún. Trong đó, thành phố Hòa Bình 5 điểm; Lương Sơn 13 điểm; Cao Phong 34 điểm; Tân Lạc 3 điểm; Mai Châu 10 điểm; Kim Bôi 3 điểm; Lạc Thủy 4 điểm; Yên Thủy 2 điểm; Lạc Sơn 45 hộ điểm; Đà Bắc 2 điểm.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải đối với các tuyến đường Trung ương và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh: Một số vị trí ngầm ngập sâu từ 0,3m-1m, gây tắc đường, tuy nhiên khi mưa tạnh, nước rút đã lưu thông được qua ngầm, hiện còn 02 vị trí ngầm bị tắc đường. Đối với các tuyến đường Trung ương ủy thác quản lý, trên tuyến Quốc lộ 6 đoạn từ Km43-Km58, một số vị trí đất đá tràn ra đường, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường; 06 vị trí đất đá sạt tràn ra đường tại Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+420 - Km85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình, Ban quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu san gạt đảm bảo giao thông ngay sau khi mưa lớn xong. Hiện giao thông trên Cun đi lại bình thường. Đối với các tuyến đường tỉnh: Đã xảy ra sạt lở taluy dương tại 7 vị trí với tổng khối lượng khoảng 2.800m3; sạt lở taluy âm tại 4 vị trí với chiều dài khoảng 26m. Trên một số tuyến đường xảy ra tình trạng nhiều vị trí cây bị gãy đổ đã được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên phát dọn chặt hạ đảm bảo giao thông ngay khi phát hiện. Hiện tại đang tiếp tục thu gọn đảm bảo an toàn giao thông.

Các địa phương hiện tại đang tập trung ứng phó và khắc phục tạm thời các thiệt hại, như hỗ trợ gia đình di rời đến nhà người thân để tạm trú, dọn dẹp cây gãy đổ, tiếp tục thống kê thiệt hại theo quy định. Thực hiện các thủ tục mai táng cho người tử vong; chăm sóc, cứu chữa cho người bị thương. Sửa chữa các nhà cửa hư hỏng, tốc mái; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Đồng thời, dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường. Khôi phục bước đầu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thông các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc.

Các Sở ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố thường xuyên đôn đốc, nắm bắt tình hình tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo, xử lý khi có tình huống xảy ra./.