Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (điểm d khoản 1 Điều 6, Điều 72, Điều 73, Điều 74, khoản 1 Điều 109 và điểm b khoản 2 Điều 111 của Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025).
Ngày 12/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15. Để thực hiện triển khai Luật Địa chất và khoáng sản kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15, trong đó tập trung triển khai các nội dung cụ thể như sau:
Tuyên truyền, phổ biến Luật Địa chất và khoáng sản: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Địa chất và khoáng sản và các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật Địa chất và khoáng sản, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về địa chất và khoáng sản đến cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động khoáng sản bằng các hình thức phù hợp. Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, thông tấn và báo chí trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về địa chất và khoáng sản trên Trang Thông tin điện tử của tỉnh, địa phương và bằng nhiều hình thức đến từng tổ chức, người dân; chỉ đạo phổ biến rộng rãi ấn phẩm về pháp luật địa chất và khoáng sản trong Nhân dân ở các vùng trên địa bàn tỉnh. Báo Hòa Bình, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về địa chất và khoáng sản; mở chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu về những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Địa chất và khoáng sản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất và khoáng sản phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng. Trước mắt, trong quý II năm 2025 triển khai phổ biến, tuyên truyền Luật Địa chất và khoáng sản rộng rãi trước khi Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực thi hành.
Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản; rà soát, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Địa chất và khoáng sản. Các Sở, Ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến địa chất và khoáng sản thuộc lĩnh vực mình phụ trách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Địa chất và khoáng sản.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về địa chất và khoáng sản thuộc thẩm quyền ban hành (nếu có), bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Địa chất và khoáng sản và các văn bản quy định chi tiết Luật Địa chất và khoáng sản. Các Sở, Ban, Ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nội dung đã giao tại mục này, gửi Danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 23 tháng 5 năm 2025 để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Địa chất và khoáng sản: Căn cứ quy định của Luật Địa chất và khoáng sản, các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm:
Sở Nông nghiệp và Môi trường: Là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động, thường xuyên phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh hoặc giữa tỉnh với các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về khoáng sản, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có). Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất đối với đề án, dự án hoặc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giải quyết các ý kiến, phản ánh và xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản (nếu có) theo quy định của pháp luật. Tham mưu chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý, bảo vệ các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 và khoản 3 Điều 71 của Luật Địa chất và khoáng sản. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các trách nhiệm khác được giao trong Luật Địa chất và khoáng sản, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật theo quy định.
Thanh tra tỉnh: Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo về địa chất, khoáng sản và xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Các Sở, Ban, Ngành có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chủ động, thường xuyên phối hợp giữa các địa phương trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra đối với lĩnh vực địa chất, khoáng sản trên phạm vi địa bàn quản lý theo quy định; Tổ chức và chỉ đạo thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về địa chất, khoáng sản và xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật; tổ chức việc kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý, bảo vệ các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 và khoản 3 Điều 71 của Luật này. Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) về tình hình hoạt động địa chất, khoáng sản trên địa bàn quản lý. Thực hiện các trách nhiệm khác được giao trong Luật Địa chất và khoáng sản, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật theo quy định.
Tổ chức theo dõi và báo cáo kết quả thi hành Luật Địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình: Cơ quan chủ trì Sở Nông nghiệp và Môi trường. Thời gian thực hiện định kỳ 02 năm một lần và khi có yêu cầu.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường kết quả thực hiện.
Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện và chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn giải quyết hoặc báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết, đồng thời gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường./.