DetailController

Khoa học - Môi trường

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường

14/10/2015 00:00
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh về bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác chỉ đạo các ngành chức năng liên quan thường xuyên phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức tuyên truyền cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tổ chức các lớp tập huấn... Kết quả, từ năm 2005 đến năm 2015, ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn phổ biến về Luật bảo vệ môi trường. Tổ chức các buổi lễ mít tinh, diễu hành nhân Ngày môi trường thế giới (5/6), Ngày nước thế giới (22/3), Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch giờ trái đất... Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình, hoạt động về bảo vệ môi trường lồng ghép vào các chương trình công tác của đoàn, hội, đội tại cơ sở như: phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường", phòng trào "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", đưa tiêu chí xây dựng khu xóm, dân cư, xã, thị trấn "Xanh - Sạch - Đẹp" là một trong những tiêu chuẩn để bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến.

Công tác phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường luôn đi đôi với khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường. Từ năm 2005 đến nay, có khoảng 230 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã đi vào nề nếp. Phần lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm, qua đó góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm, giảm các tác động xấu tới môi trường. Hàng năm, căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp để tiến hành rà soát, phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 41 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đã tiến hành đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiện nay còn 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở này đã và đang triển khai việc hoàn thành các công trình xử lý môi trường tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, công tác điều tra cơ bản về số lượng, chất lượng tài nguyên thiên nhiên, lập kế hoạch, quy hoạch bảo vệ môi trường luôn được tỉnh chú trọng quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, đều thực hiện lập báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh, tiến hành điều tra, đánh giá các chỉ tiêu về tài nguyên, môi trường. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành các quy hoạch về sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch môi trường tỉnh Hòa Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020...

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng nguồn lực, cơ sở vật chất về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong tình hình hiện nay. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nhằm từng bước khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, công nghệ sạch vào các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ môi trường./.