Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng, các cấp chính quyền và chủ rừng nghiêm túc thực hiện. Kết quả đến nay toàn tỉnh đã thành lập và củng cố được trên 1.900 tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; kiện toàn hơn 200 phương án phòng chống cháy rừng cấp xã và 11 phương án phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện, thành phố, 05 phương án ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, 01 phương án cấp tỉnh; có gần 1.900 xóm có tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với số người tham gia trên 12 nghìn người.
Vào đầu mùa khô các đơn vị đã tích cực vận động lao động công ích để duy tu, làm mới đường băng cản lửa, đã có gần 37,5km đường băng trắng và đường băng xanh tại các vùng có nguy cơ cháy lan lớn (trong đó, huyện Mai Châu là 24,5 km đường băng, 05 km đường băng xanh tại huyện Lạc Thủy, huyện Cao Phong 01 km, huyện Kỳ Sơn 07 km); phương án PCCCR với phương châm “4 tại chỗ” được triển khai, qua đó đa phần các vụ cháy đều được khống chế nhanh chóng, giảm thiểu được diện tích thiệt hại; phối hợp ban, ngành, đoàn thể phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức đến người dân hiểu và nắm bắt được Luật Phòng cháy chữa cháy rừng, Nghị định số 09/2006/NĐ và những văn bản pháp luật có liên quan;… Ngoài ra, mạng lưới thông tin phát hiện cháy rừng phát triển rộng khắp. Hầu hết các xã, thị trấn có cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, có trách nhiệm nắm các thông tin liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở. Do vậy thông tin các đám cháy được phát hiện kịp thời, tùy vào các quy mô đám cháy mà Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng từng cấp huy động lực lượng để chữa cháy kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chi cục kiểm lâm đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khí tượng thủy văn Hòa Bình, Đài phát thanh truyền hình tỉnh để xây dựng các bản tin dự báo cháy rừng, phát trên đài truyền hình tỉnh và các huyện theo chu kỳ tuần khí tượng. Căn cứ vào những bản tin dự báo đó, các ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng các cấp triển khai các phương án PCCCR phù hợp với từng địa phương. Toàn tỉnh đã hạn chế đến mức thấp nhất về diện tích cũng như mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, xảy ra 48 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại gần 170 ha/tổng số 460.869 ha rừng toàn tỉnh, trong đó gần 130 ha rừng trồng các loại và khoảng 40 ha rừng tự nhiên. Số vụ, diện tích rừng bị cháy đều giảm so với thời gian trước, đặc biệt có 02 năm 2008 và 2011 không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Phát huy những kết quả đạt được, thì thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, cần nắm chắc tình hình địa phương, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục phối hợp với các bên liên quan nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng nòng cốt là kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cũng như các tổ, đội PCCCR ở cơ sở; các đơn vị chuyên môn, các địa phương, chủ rừng cũng cần tranh thủ tốt nguồn vốn của các dự án để xây dựng, trang bị đầy đủ, hiện đại hơn về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ PCCCR, nâng tầm công tác dự báo, cảnh báo…