Một số đề tài khoa học điển hình được triển khai: Xây dựng Atlats điện tử phục vụ công tác quy hoạch và phát triển tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Hòa Bình”; “Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh trượt lở tại xã Phúc Sạn, Mai Châu tỉnh Hòa Bình”; “Điều tra, đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng photphorit và than bùn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phục vụ sản xuất phân bón”; “Ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS để xây dựng bản đồ điện tử quản lý diện tích tưới tiêu của huyện Lương Sơn và Cao Phong”…
Việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động KH&CN có những chuyển biến tích cực; đã áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCB-BTC của liên Bộ KH&CN- Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chủ trì đề tài, dự án KH&CN trong quá trình nghiên cứu, triển khai, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Việc cấp kinh phí thực hiện các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã được cải tiến trên cơ sở tuyển chọn theo nguyên tắc cạnh tranh và giảm bớt các khâu trung gian.
Đổi mới hệ thống tổ chức và cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN được thực hiện theo đúng quy định của Luật KH&CN; chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ được tăng cường; thực hiện phương án chuyển đổi tổ chức và thực hiện cơ chế tự trang trải kinh phí hoạt động đối với Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm và Dịch vụ khoa học công nghệ; tiếp tục xây dựng Đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN để nhanh chóng tiếp cận với trình độ KHCN trong và ngoài nước là một trong những nhiệm vụ KHCN quan trọng mà tỉnh đặt ra. Đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình Tây Bắc; thỏa thuận về hợp tác KHCN với Trung tâm Dịch vụ tổng hợp công nghệ cao Láng Hòa Lạc và 02 đơn vị của Hàn Quốc; tổ chức cho doanh nghiệp tham dự, trình diễn một số ứng dụng công nghệ mới, có khả năng tiếp cận với thị trường của tỉnh Hòa Bình, làm cơ sở cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội trao đổi, giao lưu và phát triển KH&CN.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn: Đã triển khai thực hiện 57 đề tài khoa học cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí trên 23,4 tỷ đồng. Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công, triển khai sản xuất các loại gạch không nung đồng thời đổi mới công nghệ sản xuất xi măng lò đứng sang công nghệ lò quay với năng suất, chất lượng cao, thân thiện hơn với môi trường. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã triển khai 51 đề tài với kinh phí gần 13,6 tỷ đồng. Các đề tài tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình; giới thiệu những tiềm năng phát triển của mảnh đất Hòa Bình. Lĩnh vực y tế tập trung ứng dụng các thành tựu khoa học, các giải pháp để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đến nay, ngành y tế đã trang bị được nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ đắc lực trong khám và điều trị như: máy chạy thận nhân tạo, máy chụp CT-scaner, đầu tư máy CT 64 dãy, chụp cộng hưởng từ MRI…Triển khai được một số kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật các khỗi y não, phẫu thuật cắt u đại trang qua nội soi, lọc máu liên tục, lọc máu trẻ em, lọc huyết tương. Việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đề xuất các mô hình, giải pháp phòng chống và điều trị các bệnh, dịch nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm; nghiên cứu mô hình và các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về y tế được quan tâm. Lĩnh vực giáo dục đào tạo tập trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong đó chú trọng nghiên cứu giải pháp nâng cao giáo dục đạo đức truyền thống văn hóa dân tộc; ứng dụng và tiếp thu công nghệ mới, công nghệ thông tin, dạy học từ xa. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, đã được chứng nhận, năm 2012 một số sản phẩm khác cũng đã được cấp chứng nhận như: Nhãn hiệu tập thể cho mía tím Hòa Bình; Dệt thổ cẩm Mai Châu. Đăng ký bảo hộ thành công các nhãn hiệu tập thể: Hạt dổi Lạc Sơn, Lặc lày Lương Sơn và Su Su Tân Lạc; đăng ký bảo hộ thành công Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc sắp xếp các cơ quan quản lý nhà nước về KHCN các cấp ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN có nhiều đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các đề tài có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với điều kiện của tỉnh; góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội. KHCN đã góp phần đắc lực trong việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hàm lượng KHCN đóng góp vào sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng cao hơn. Tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh tiếp tục được tăng cường.