DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường

26/06/2015 00:00

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 437-CTr/TU, ngày 30/6/2005 để tổ chức thực hiện. Việc học tập, quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW được Tỉnh ủy chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đến các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. 100% các huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch triển khai và Chương trình hành động thực hiện và đưa công tác bảo vệ môi trường vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả tích cực.

 Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường được nâng lên. Ý thức chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã có nhiều chuyển biến. Nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm sau cao hơn năm trước, năm 2010 với 29.780 triệu đồng, năm 2014 với 60.519 triệu đồng. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được thực hiện nghiêm túc. Số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giảm từ 13 cơ sở xuống còn 4 cơ sở; số cơ sở gây ô nhiễm môi trường giảm từ 41 cơ sở xuống còn 37 cơ sở. Các cơ sở này đã và đang triển khai việc hoàn thành các công trình xử lý môi trường tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng bãi chôn lấp rác Dốc Búng thuộc địa bàn Thành phố Hòa Bình hiện nay đã đóng cửa và có phương án xử lý lượng rác còn tồn đọng.

Để hướng tới phát triển bền vững, hàng năm việc báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh được tiến hành trên cơ sở đó lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ. Đến nay tỉnh đã xây dựng được các quy hoạch: Quy hoạch môi trường tỉnh Hòa Bình đến 2010 và định hướng đến 2020; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, và sử dụng khoáng sản đến 2020; Quy hoạch sử dụng đất năm 2000-2010; Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học tỉnh Hòa Bình; Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hòa Bình...

Công tác giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, vùng nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trên địa bàn thành phố Hòa Bình, việc thu gom, vận chuyển rác thải được thực hiện 2 lần/ngày, tình trạng ùn ứ rác thải hạn chế tối đa, đổ rác vào ao, hồ, sông, suối. Hệ thống cây xanh, cây cảnh trên các trục đường của thành phố được quan tâm đầu tư, đảm bảo mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường. Đối với địa bàn vùng nông thôn, về cơ bản, các hộ gia đình, cụm dân cư ở xóm, bản đã hình thành phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hố để chứa rác và đốt rác thải; nhiều tập quán lạc hậu, nếp sống không văn minh ảnh hưởng đến môi trường đã được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất, sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường. Nhiều công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa vào sử dụng như: áp dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men Balasa-NO1 trong chăn nuôi lợn; thay thế công nghệ sản xuất xi măng lò đứng bằng công nghệ sản xuất xi măng lò quay; các nhà máy gạch thủ công, nhà máy gạch lò đứng từng bước được thay thế bằng các nhà máy gạch công nghệ tuynel tiêu tốn ít nhiên liệu và giảm thiểu đáng kể việc phát thải khí thải.

Hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 38 chương trình, dự án và viện trợ phi dự án do 17 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển viện trợ với tổng giá trị cam kết viện trợ là: 12.172.460 USD. Các chương trình, dự án được triển khai thực hiện ở 11 huyện, thành phố của tỉnh trên nhiều lĩnh vực trong đó có nước sạch, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên của đa số người dân và nhiều doanh nghiệp chưa cao; biên chế hành chính, sự nghiệp cho cơ quan quản lý môi trường tại các cấp còn thiếu; huy động nguồn lực từ nhân dân và các doanh nghiệp cho công tác bảo vệ môi trường còn thấ; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường chưa nhiều...

Để việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, công nghệ sạch vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng nguồn lực, cơ sở vật chất về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong tình hình hiện nay. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nhằm từng bước khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ môi trường…