DetailController

Khoa học - Môi trường

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5: Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các đối tượng hút thuốc

31/05/2017 00:00
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người. Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm trung bình có khoảng 6 triệu người chết vì các căn bệnh có nguyên nhân liên quan đến việc hút thuốc lá gây ra – cao hơn bất cứ nguyên nhân gây tử vong nào khác. WHO dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 8 triệu người chết/năm do sử dụng thuốc lá (trong đó 70% là từ các nước đang phát triển), nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
Băng zôn tuyên truyền hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá trên các tuyến đường của thành phố Hòa Bình

Trong khói thuốc lá có hơn 4.000 hóa chất trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện , các chất gây độc và 43 được biết là nguyên nhân gây ung thư. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim gây suy thoái giống nòi do làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.….

Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm khả năng lưu thông của máu trong cơ thể, tăng nhịp tim và làm suy giảm sức khoẻ của bạn, dẫn đến nhiều bệnh ung thư khác như ung thư miệng, đại tràng, vòm họng, thực quản, gan, thận…Các nhà khoa học đã khảo sát và tìm ra đc rằng tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm, tức là khi hút 1 điếu thuốc tự ta đã làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. 

Ngoài con đường hút thuốc trực tiếp, thuốc lá còn có thể gây hại qua việc ta hít phải khói thuốc của người khác (tức hút thuốc thụ động). Những người không hút thuốc nhưng sống trong khói thuốc của những người khác chịu rủi ro cao hơn hoặc bị mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về họng, tai và trí tuệ cũng như sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng. Phụ nữ có mang hút thuốc sẽ chịu rủi ro bị sẩy thai cao hơn, sinh con nhẹ cân, hoặc con bị ốm, tử vong. Trẻ sơ sinh của những người cha hút thuốc trong những tháng trước và trong thời gian mang thai của người mẹ có nguy cơ gấp đôi bị hở hàm ếch, bạch cầu và chịu mức rủi ro bị ung thư não cao hơn tới 40% so với những trẻ có cha không bao giờ hút thuốc. Đó là những ảnh hưởng không hề nhỏ.

Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế  giới với tỷ lệ trên 50% nam giới từ tuổi truởng thành trở lên hút thuốc lá và hơn 60 triệu người chịu ảnh hưởng của khói thuốc (hút thuốc thụ động)

Không chỉ gây bệnh, thuốc lá còn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho xã hội. Mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, một năm chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Trong khi số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người.Thêm nữa, một khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. 

Mặt khác, bệnh tật mà thuốc lá đem lại đã tăng thêm gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động. Vì thuốc lá, những người nghèo ngày càng trở nên kiệt quệ.

Ngày 1/5/2013 Luật PCTH thuốc lá có hiệu lực thi hành tuy nhiên số người hút thuốc lá vẫn không hề giảm đi, tình trạng buôn bán thuốc lá vẫn diễn ra công khai. Người ta hút thuốc mọi lúc, mọi nơi, hút ngay tại những nơi có biển cấm hút thuốc, thậm chí vô tư nhả khói thuốc ngay trước cổng trường học hay trong khuôn viên bệnh viện. Tới nhiều địa điểm công cộng vẫn dễ dàng thấy cảnh nhiều người hút thuốc thoải mái mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào.

Tại tỉnh Hòa Bình, năm 2015 đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong một số nhóm đối tượng: Thanh - thiếu niên từ 15-24 tuổi hút thuốc giảm xuống còn 18%; Nam giới giảm xuống còn 39%; Nữ giới giảm xuống dưới 1,4%; Thực hiện nghiêm quy định về cấm hút thuốc nơi cộng cộng, nơi làm việc tại tất cả các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn; 100% cán bộ, công chức, viên chức không hút thuốc tại nơi làm việc; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuố lá; Tư vấn và hỗ trợ những người đang hút thuốc lá bỏ thuốc; Tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện “Môi trường không khói thuốc lá”.

Trong hai năm qua (2015 và 2016), công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hút thuốc lá tại cơ quan, công sở khiến việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn còn hạn chế.  Đa số người dân chưa nhận thức được mức độ tổn thất về sức khoẻ, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên. Việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật.

Cùng với đó, các bệnh liên quan đến tác hại của thuốc lá cũng không ngừng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong số các bệnh nhân điều trị tại các Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Hiện tượng hút thuốc lá tại những nơi làm việc và ở những nơi công cộng vẫn còn rất phổ biến...

Ngày thế giới không thuốc là năm 2017 có chủ đề “Thuốc lá- mối đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”. Để Luật PCTHCTL đi vào đời sống, phát huy hiệu lực, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay vào cuộc, với những biện pháp kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Xây dựng mô hình điểm trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, trường học thực hiện các hoạt động PCTHCTL; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác PCTHCTL. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ cấm hút thuốc lá tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân để góp phần xây dựng một môi trường sạch, không khói thuốc./.