Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong tuần từ ngày 01 đến 08/10/2019, tình hình bệnh DTLCP có chiều hướng diễn biến phức tạp, cụ thể có 01 xã phát sinh mới là xã Hợp Châu - huyện Lương Sơn); 5 xã phát sinh lại sau khi đã công bố hết dịch gồm các xã: Quý Hòa - Lạc Sơn; Tân Phong, Bình Thanh - Cao Phong; Thanh Nông - Lạc Thủy; Cư Yên - Lương Sơn. Lũy kế từ đầu tháng 5 đến ngày 08/10/2019 Bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 1.100 hộ chăn nuôi thuộc 385 thôn, tổ dân phố của 128 xã, phường, thị trấn. Cụ thể:Tổng số lợn tiêu hủy là 12.226 con = 709.845,9 kg, tăng so với ngày 01/10/2019 là 581 con = 34.354,9 kg.
Đến thời điểm này có 22 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố phát sinh dịch trở lại. Tổng số xã, phường thị trấn hiện đang bị dịch bệnh là 55 xã, có 73 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố đã công bố hết dịch. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có huyện Kim Bôi được đưa ra khỏi danh sách các huyện bị DTLCP từ ngày 16/8/2019 và huyện Kỳ Sơn từ ngày 3/10/2019. Đến nay đã có 3/11 huyện, thành phố (Mai Châu, Yên Thủy và Cao Phong) có tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do Dịch tả lợn Châu Phi.
Để tiếp tục thực hiện tốt các công tác phòng, chống DTLCP, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố chưa có tờ trình, khẩn trương xây dựng văn bản trình UBND tỉnh để thống nhất và có kế hoạch hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, trước tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung hướng dẫn người dân về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, tiếp tục tập trung khử trùng tiêu độc môi trường, chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh DTLCP và chỉ đạo các cấp, các ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển con giống lợn từ các địa phương khác vào địa bàn để nuôi tái đàn, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh./.